Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn là giải thưởng phi lợi nhuận thường niên, được trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc “của thiếu nhi” (thiếu nhi là chủ đề sáng tạo) hoặc “vì thiếu nhi” (thiếu nhi là đối tượng phục vụ). Báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) là đơn vị sáng lập và tổ chức.
Sau 4 tháng phát động, Giải thưởng đã thu hút hơn 100 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với đầy đủ các loại hình nghệ thuật, trong đó nhiều nhất là truyện ngắn, tập truyện ngắn và truyện dài. Bên cạnh đó, Ban sơ khảo giải thưởng còn tích cực “đãi cát tìm vàng”, rà soát một số lượng lớn các tác phẩm dành cho thiếu nhi được sáng tác, công bố trong thời gian từ 1/1/2019 đến 7/9/2020 để trình lên Hội đồng giám khảo xem xét… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót các tác phẩm lớn. Qua đó, có thể khẳng định, kết quả giải thưởng đã phán ánh được phần nào bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật thiếu nhi trong thời gian qua.
Từ 12 tác phẩm vào vòng chung khảo, Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch, cùng các thành viên là nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Lê Linh, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh và nhà báo Lê Xuân Thành đã tiến hành bỏ phiếu để chọn ra các giải thưởng.
"Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn", trị giá 30 triệu đồng, đã được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của truyện dài "Làm bạn với bầu trời",
Bốn giải "Khát vọng Dế Mèn", trị giá 10 triệu đồng/giải, được trao cho: Chùm tranh chủ đề phòng chống COVID-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi); “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm" (bản thảo truyện dài) của Cao Khải An (12 tuổi); "Mộng giang hồ" (bản thảo tập truyện ngắn) của Nguyễn Chí Ngoan; Chùm ca khúc chủ đề thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trao giải cho tác giả Cao Khải An với tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm" (bản thảo truyện dài). |
Phát biểu tại Lễ trao giải, Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: "Với 1 giải Hiệp sĩ Dế Mèn và 4 giải Khát vọng Dế Mèn, Giải thưởng Dế Mèn lần 1 - 2020 được xem là một vụ mùa bội thu những sáng tác, trình diễn nghệ thuật dành cho các em. Vụ bội thu này tưởng như tương phản với cảm quan chung của mọi người về một bức tranh khá trầm lắng của nghệ thuật thiếu nhi trong nhiều năm qua, nhưng thực chất phản ánh trung thực bức tranh vừa “có nền lại vừa có đỉnh” của mảng sáng tác này, dù chưa phải là những đỉnh cao xuất chúng".
Để ủng hộ cho Giải thưởng Dế Mèn, gần 20 họa sĩ tên tuổi, được xem là những thương hiệu "đắt giá" trên thị trường mỹ thuật, đã chuyển cho BTC Giải Dế Mèn những tác phẩm thật sự tâm đắc của mình để bán và đóng góp từ 50% giá bán tranh cho giải. Đó là các họa sĩ Trần Nguyên Đán, Thành Chương, Nguyễn Quang Thiều, Phạm An Hải, Đinh Quân, Dũng Tí, Phan Thiết, Tào Linh, Phạm Hà Hải, Nguyễn Duy Nhi, Phạm Bình Chương, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Thế Hùng, Vũ Mười… và nhà sưu tập Thanh Uy.
Những tác phẩm này được trưng bày ngay tại Lễ trao giải, đồng thời đã được đưa lên trang Fanpage của Giải để được "dán nơ" (đặt mua). Cùng với đó là 100 cuốn sách "Làm bạn với bầu trời" (Bản đặc biệt) mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng dành riêng cho Giải Dế Mèn.
Hoạ sĩ Thành Chương chia sẻ về Chùm tranh chủ đề phòng chống COVID-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi). |
Chia sẻ về giải thưởng, ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao &Văn hóa, khẳng định: Một mùa giải được chuẩn bị và diễn ra trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng đã về đích thành công sau 4 tháng phát động ngắn ngủi. Bắt đầu từ mùa sau, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn sẽ trở về với nhịp điệu chính thức của nó: Giải sẽ nhận các tác phẩm dự giải được sáng tác hoặc công bố từ ngày 15/5 của năm trước đến ngày 15/5 của năm trao giải và sẽ được trao vào dịp Tết thiếu nhi (1/6) hằng năm.
Cũng xuất phát từ thực tế chấm giải của mùa giải đầu tiên, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng giám khảo, Ban tổ chức quyết định sẽ mở rộng tiêu chí của hạng mục Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn. Như trong "Báo cáo tổng kết của Hội đồng giám khảo" đã nhận định: Hai chữ “Hiệp sĩ” trong hạng mục Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn vô hình trung đã tạo nên sự kỳ vọng quá lớn vào tác giả có tác phẩm được chọn. Trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn giống như “tấn phong” một “tước hiệu” cao quý cho một tác giả, cho nên đương nhiên công chúng đòi hỏi nhân vật đó phải có tài năng xuất chúng ra sao? Bề dày thành tích thế nào, phẩm cách con người và phẩm cách văn chương phải thuần khiết đến đâu?
Chính vì vậy, hạng mục Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn vẫn giữ tiêu chí quan trọng nhất là trao cho “sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc nhất năm, đáng để thiếu nhi thưởng thức”, nhưng nếu không tìm được tác phẩm xuất chúng hoặc tìm được “thần đồng”, thì có thể xét cho những tác giả cũng có tác phẩm xuất sắc trong năm, đáng để thiếu nhi thưởng thức, tuy có thể chưa đạt đến mức xuất chúng, nhưng nếu tác giả đó có bề dày sáng tác cho thiếu nhi và có nhiều hoạt động vì thiếu nhi thì có thể xem là những “điểm cộng”.
Cũng như Giải Khát vọng Dế Mèn, BTC không quy định rõ số lượng Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn hằng năm mà căn cứ theo tình hình thực tiễn của năm xét giải, và trên đề nghị của Hội đồng giám khảo.