Chống rác thải nhựa -Vai trò, trách nhiệm của phụ nữ
Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ, thông qua Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Chống rác thải nhựa”với cam kết quyết tâm thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”.
Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo chống rác thải nhựa đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải (biến rác thành tiền, thành thẻ bảo hiểm y tế…); tái chế rác thải nhựa (sử dụng chai nhựa, túi nilon làm“gạch sinh thái” xây dựng công trình công cộng: thư viện, bàn ghế, bồn hoa, tường rào, cổng nhà văn hóa…); trồng cây lấy lá, gấp túi giấy để hạn chế sử dụng túi nilon…. khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Na Uy tài trợ, tập trung vào đối tượng phụ nữ để tăng cường quản lý chất thải sinh hoạt hiệu quả đã thực hiện thành công thời gian qua là minh chứng cho vai trò của phụ nữ trong chống rác thải nhựa.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng thành lập nhóm nòng cốt tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang để đào tạo kiến thức về rác thải và nhựa, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn. Những người này đóng vai trò là người giám sát tại từng địa điểm để đảm bảo từng hộ gia đình thực hiện đúng quy trình phân loại trước khi xe rác đến thu gom. Mô hình đã thực hiện các hoạt động giáo dục và truyền thông về quản lý rác thải nhựa và rác thải. Với sự nhắc nhở sát sao, dự án ghi nhận kết quả 80% hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn.
Tại tỉnh Bình Định, Dự án đã thực hiện nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng, Nhơn Châu thuộc Vịnh Quy Nhơn, Bình Định. Dự án tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các chủ nhà hàng, khách sạn sử dụng các sản phẩm “xanh”; đồng thời hỗ trợ vốn, kiến thức, mạng lưới cho các phụ nữ thu gom ve chai để tăng cường hiệu quả thu gom rác tái chế.
UBND xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã áp dụng đồng thời hai mô hình bảo vệ môi trường “Ngôi nhà xanh” thu gom bao bì nhựa và "Nhà rác" thu gom rác thải nhựa tái chế để người dân bỏ rác vào. Lượng rác này sẽ được giao cho Hội Phụ nữ, Tổ xử lý rác quản lý, bán ve chai, tạo quỹ hoạt động. Xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, cấm người dân vứt rác bừa bãi, nếu hộ nào vi phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt hành chính để mang tính răn đe. Bà Phạm Thị Gái, xã Nhơn Hải cho biết: "Hễ có ly, chai nhựa thải ra là tôi mang đến "ngôi nhà xanh", còn rác thải độc hại bỏ vào thùng rác, những người làm bên môi trường sẽ đem đi đổ. Việc áp dụng các mô hình xanh như thế này giúp ích cho xã hội rất nhiều, giảm các nguồn bệnh, giảm ô nhiễm môi trường".
Tại tỉnh Bình Dương, Dự án đã thực hiện mô hình Tổng hợp nguồn lực xã hội trong giảm thiểu rác thải trên địa bàn thành phố Dĩ An. Dự án đã hỗ trợ phụ nữ làm nghề ve chai gói vay vốn với lãi suất 0%, đồng thời giúp họ kết nối tạo thuận lợi hơn cho việc thu gom phế liệu. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác từ tất cả các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng (cán bộ quản lý, người dân, thanh niên và lao động phi chính thức), Dự án đã thí điểm thành công các mô hình quản lý chất thải sinh hoạt.
Thực hiện Đề án “Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa” giai đoạn 2020-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức các hội nghị tại nhà văn hóa thôn/khu, trường học để tuyên truyền việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon. Hội đã thành lập các tổ đi đến từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn và ký cam kết việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon.
Nhân tố tích cực
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận định, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp phải thách thức từ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm từ nhựa đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người ở nước ta tăng gấp 5 lần, tính từ năm 1990 đến nay.
Trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của nước ta, giới và môi trường nói chung, phụ nữ và môi trường nói riêng là một trong những vấn đề xuyên suốt đồng thời là mục tiêu quan trọng được xác định. Trong công việc, cuộc sống hàng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.
Mặt khác, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình; được xem là những nhà giáo dục đầu tiên nên nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý, họ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ tăng cường tái sử dụng túi nilon, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Hội vận động các doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc quản lý giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xây dựng mô hình hưởng ứng thực hiện phong trào phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; chống rác thải nhựa; chủ động đề xuất các đề án, chương trình, giải pháp nâng cao nhận thức thay đổi hành vi hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hoài, chuyên gia về giới của Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) cho biết, Báo cáo đánh giá hiện trạng về giới trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam do NPAP thực hiện cho thấy phụ nữ giữ trách nhiệm chính trong việc quản lý công việc nội trợ hàng ngày và họ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc sử dụng các sản phẩm nhựa.
Là tổ chức tham gia tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa chính thức và không chính thức tại các hộ gia đình và cộng đồng. Chính quyền và cộng đồng cần ghi nhận sự đóng góp này trong quá trình xây dựng chính sách. Các nhà hoạch định chính sách cần có thêm các nghiên cứu, dữ liệu và bằng chứng về những vấn đề liên quan đến nhựa, giới và hòa nhập xã hội nhằm tránh mọi tác động tiêu cực đối với phụ nữ, lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong quá trình thực thi chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Ngài Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Canada đang phối hợp với các đối tác trên toàn thế giới cùng hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa. Ở Việt Nam, phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong kinh doanh, quản lý nguồn lực, xử lý chất thải. Các chương trình, dự án tài trợ của Canada tập trung hỗ trợ quyền và sinh kế của phụ nữ nhằm đóng góp cho các nỗ lực chuyển dịch sang một nền kinh tế nhựa bền vững hơn và mang tính tuần hoàn hơn.