Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, tăng trưởng xanh trở thành định hướng phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với du lịch, ngay từ năm 2012, Tổ chức Du lịch thế giới (UN-WTO) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo về Phát triển Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Báo cáo nêu rõ 6 thách thức lớn mà du lịch thế giới phải đối mặt, thách thức thứ 3 trong báo cáo đó là “Quản trị rác và chất lượng nước”.
Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Rác thải nhựa dùng 1 lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loại sinh vật khác. Do tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa đã trở nên nguy hiểm khi làm thay đổi tính chất vật lý của đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng và cản trở sinh trưởng của các loài động thực vật.
Ông Vũ Thế Bình cũng nêu rõ: Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới (khoảng 3,1 triệu tấn/năm, trong đó lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng từ 0,28 -0,73 triệu tấn/ năm). Ngành du lịch với hàng trăm triệu khách mỗi năm là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước. Nhận thức được trách nhiệm, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã hưởng ứng nhanh và mạnh mẽ chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch khi vận động các doanh nghiệp tham gia nhiều hoạt động thu gom và xử lý rác thải nhựa.
Được sự ủng hộ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP), Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên & Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch cả nước, đưa toàn ngành tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam.
Dự án hướng đến việc thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của ngành du lịch, cũng như phát triển kinh tế bền vững của quốc gia. Các hoạt động của dự án được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, Quảng Nam, chính quyền các xã triển khai Dự án.
Dự án sẽ diễn ra từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/6/2024 gồm 3 hợp phần: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; Xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã được chia sẻ nhiều thông tin về tình trạng rác thải nhựa trong du lịch; các sáng kiến và mô hình thực tế giảm thiểu rác thải nhựa tại di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) và huyện Gia Viễn (Ninh Bình).
Trong đó, tại Hội An, từ tháng 6/2020 đến nay, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UBND Thành phố Hội An phối hợp kêu gọi doanh nghiệp du lịch tham gia cam kết giảm rác thải và rác thải nhựa. Các hoạt động kết nối mạng lưới và tư vấn kỹ thuật được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giảm rác thải, biến rác thải thành tài nguyên. Tháng 3/2021, Kế hoạch hành động đến năm 2023 áp dụng các doanh nghiệp du lịch giảm rác thải và rác thải nhựa, góp phần xây dựng “Hội An – Điểm đến xanh” được ban hành. Tới nay tại Hội An có 27 cơ sở kinh doanh như quán cà phê, villa homestay, nhà hàng… tái sử dụng nhiều chai lọ - giảm bớt tiêu thụ mới. Ước tính khách sạn La Siesta Hội An Resort & Spa đã cắt giảm hoàn toàn khoảng 3,5 tấn nhựa/năm. Đơn vị Silk Sense Hoi An River Resort sau 1,5 năm thay thế chai nước nhựa bằng chai thuỷ tinh đã giảm được việc sử dụng 20.000 chai nhựa dùng một lần...
Nhân dịp này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động cuộc thi sáng tạo ứng dụng quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.