Công văn 909 của Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên (thiếu chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, chứng chỉ tin học) và đối với nhân viên (thiếu chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, Chứng chỉ tin học) phải khẩn trương đi học; ngoài ra, có thể học và thi để có chứng chỉ tiếng dân tộc (đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thay thế cho chứng chỉ ngoại ngữ). Người học phải đảm bảo được thời gian đi học để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn nhưng vẫn phải đảm bảo việc dạy và học trong nhà trường...
Đáng chú ý, theo công văn trên, tất cả cán bộ, giáo viên (từ mầm non đến phổ thông) đều phải bổ sung các chứng chỉ; nếu sau ngày 31/12/2020 chưa hoàn thiện sẽ bị đuổi việc.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho hay, trên địa bàn có hơn 300 cán bộ, giáo viên (từ mầm non đến phổ thông) thiếu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Theo đó, công văn chỉ nhằm nhắc nhở họ sớm bổ sung các chứng chỉ còn thiếu theo Hướng dẫn số 2965 của Bộ Nội vụ (ban hành ngày 15/6/2020) về việc xử lý những trường hợp sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; Công văn số 1953 ban hành ngày 5/6 của Tỉnh ủy Đắk Nông về việc thực hiện Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư.
Nói về việc có cần thiết phải yêu cầu cán bộ, giáo viên bổ sung các chứng chỉ trên không khi Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý, trong các Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên (trong đó có nội dung dự kiến không quy định về trình độ ngoại ngữ đối với giáo viên mầm non, tiểu học..); ông Toàn cho rằng đó mới là dự thảo.
Trả lời về việc sau khi giáo viên “cấp tốc” bổ sung các chứng chỉ trên, liệu có giúp chất lượng giáo dục địa phương nâng lên; yêu cầu có đầy đủ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có phù hợp với điều kiện giáo dục tỉnh nhà? Ông Toàn cho hay không thể trả lời, bản thân ông chỉ thực hiện đúng theo quy định pháp luật.