Giáo viên sẵn sàng nhận xét học sinh nhưng lo 'chê thế nào cho đúng'

Nhiều giáo viên đồng tình với việc cần phải có sự kết hợp giữa nhận xét và cho điểm mới đảm bảo đánh giá đúng phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ lo ngại “không biết chê thế nào cho đúng”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT đang được Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý là việc sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết các môn học.

Theo Bộ GD-ĐT, sự đổi mới của hoạt động kiểm tra, đánh giá này sẽ giúp phát triển phẩm chất, năng lực và tạo động lực cho sự tiến bộ của người học.

Nhiều ưu điểm nếu "làm đúng"

Trước những thay đổi này, cô giáo Nguyễn Nguyệt Minh, Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình bởi theo cô, đây là cách giúp học trò nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

“Nếu giáo viên chỉ đánh giá học sinh bằng những con số thì học trò sẽ không biết mình đang đứng ở đâu. Nhưng nếu kết hợp song song giữa điểm số và nhận xét thì học sinh sẽ biết mình còn đang yếu điểm nào để cải thiện. Đó là chưa kể, trong những nhận xét ấy, giáo viên có thể đưa ra lời động viên giúp học sinh có tinh thần và động lực học tập. Đây là ưu điểm lớn nhất nếu áp dụng phương pháp đánh giá này”, cô Minh nói.

Cho rằng điều học sinh muốn nhận về chính là những nhận xét thay vì điểm số đơn thuần, thời gian qua, cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) đã áp dụng hình thức chấm điểm đi kèm với những lời nhận xét. Nhờ vậy học sinh của cô đã cảm nhận được giá trị của mỗi bài kiểm tra bởi sau đó, các em biết điều gì mình còn chưa đạt.  

Mặc dù cho rằng giáo viên sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn nhưng theo cô Quỳnh Anh, xét về lâu dài, học sinh được lợi hơn rất nhiều. “Các em sẽ có những lời động viên, khích lệ khi làm tốt và phát hiện ra lỗi sai để không mắc lại lần sau”.

Là giáo viên dạy môn Lịch sử và Giáo dục công dân trong trường THCS, thầy giáo Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa) cho rằng, việc kiểm tra đánh giá học sinh chỉ bằng điểm số không phản ánh được toàn diện năng lực và thiếu tính khích lệ học sinh.

“Với việc kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kì bằng bài viết, đa phần học sinh chỉ cần chăm học bài là có thể làm được. Điều này chỉ đánh giá dựa trên việc nhận biết, thông hiểu là chính, còn việc vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống rất hạn chế”. 

Thầy Lực đưa ra ví dụ về một tiết dạy của mình: "Khi tôi hỏi các em học sinh lớp 9: “Em cho biết sự kiện lịch sử nào đánh dấu thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đạt đến đỉnh cao?” thì không học sinh nào trả lời được. Tôi tiếp tục gợi ý, đó là ngày lễ Quốc khánh của nước ta, các em cũng lặng thinh. Tôi kết luận là học sinh không quan tâm chứ câu hỏi này không khó vì tôi mới dạy các em tiết học liền trước.

Nếu vận dụng đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét thì dễ dàng nhận xét thái độ học tập của học sinh là “chưa tập trung trong giờ học”, còn chỉ bằng điểm số thì mới đánh giá về mặt nhận thức kiến thức (tái hiện, nhận biết)”.

Thầy Lực cũng cho rằng, nếu kết hợp hai hình thức nhận xét và điểm số trong việc đánh giá học sinh thì tỉ lệ nên là 50/50. Ngoài ra, việc kiểm tra bằng điểm số không nên tập trung nhiều vào việc nhận biết, thông hiểu mà cần chú trọng việc vận dụng kiến thức bài học để giải quyết một tình huống, vấn đề cụ thể của cuộc sống.

Cần chê thế nào cho đúng?

Mặc dù nhận thấy những điểm được khi kết hợp giữa đánh giá bằng điểm số với nhận xét, nhưng nhiều giáo viên vẫn bày tỏ sự băn khoăn nếu áp dụng phương thức này.

Là giáo viên dạy Âm nhạc của một trường cấp 2, cô giáo Nguyễn Như Huyền (Thái Bình) lo lắng khi bản thân không chỉ dạy một lớp mà phải dạy hai khối lớp. “Với số lớp như vậy, nếu để nhận xét hàng trăm học sinh thì không thể nào đạt được hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, muốn nhận xét tỉ mỉ, giáo viên cũng phải theo dõi các em trong suốt cả buổi học”.

Ngoài ra, theo cô Huyền, bản thân giáo viên cũng cảm thấy rất khó khi phải… chê học trò thế nào cho đúng. “Việc viết những lời lẽ khích lệ thì không quá phức tạp, nhưng khi học sinh làm chưa đạt yêu cầu, rất khó để nhận xét bằng lời sao cho lời lẽ ấy không làm các em mất động lực và hứng thú học tập. Do đó, giáo viên cũng không thể viết tùy tiện được”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Thế Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội) lại cho rằng, việc viết những lời nhận xét ra sao không phải là điều quá khó khăn.

“Đôi khi, không phải cứ nhận xét dài dòng đã là hiệu quả. Nếu giáo viên thực sự hiểu học trò thì có thể nhận xét ngắn gọn mà vẫn trúng và hiệu quả. Ví dụ như môn Âm nhạc, thậm chí giáo viên có thể nhận xét, đánh giá trực tiếp qua lời nói mà không cần phải bằng chữ viết.

“Giọng con cần dứt khoát, mạnh mẽ hơn nữa”, “Tốt lắm, đã tiến bộ hơn rất nhiều rồi”… Những lời nhận xét trực tiếp trước cả lớp như thế cũng sẽ tạo động lực cho học sinh. Đôi khi với những em không thực sự có năng khiếu, giáo viên có thể đặt ra yêu cầu thấp hơn. Nếu bản thân các em có sự cố gắng hơn so với chính mình trước đó thì cô giáo có thể nhận xét, tuyên dương. Đây là biện pháp nêu gương, kích thích, động viên. Điều này nếu chỉ bằng điểm số sẽ không thể làm được”, thầy Hảo nói.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, nếu chỉ nhìn vào điểm số, phụ huynh cũng không thể đánh giá được con mình đang còn lỗ hổng nào. Như vậy, với cách đánh giá này, phụ huynh và giáo viên có thể cùng tương tác và tham gia vào việc giáo dục học trò. Phần nhận xét sẽ bổ sung vào những thứ mà điểm số không thể thể hiện được rõ ràng. Như vậy, phần xét sẽ thiên về định tính, còn đánh giá bằng điểm số sẽ định lượng hơn.

“Tôi cho rằng cách đánh giá bằng điểm số mới phản ánh đúng thực chất lực học của các con. Việc giáo viên phải nhận xét quá nhiều học sinh dẫn đến công việc quá tải, thầy cô chỉ nhận xét cảm tính, hời hợt, đôi khi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh”.

(Chị Lê Thị Lý, phụ huynh học sinh lớp 7, Thái Bình)

“Nếu chỉ đánh giá bằng điểm số và vài ba dòng nhận xét trong học bạ thì rất chung chung. Tôi rất muốn biết con mình còn yếu ở chỗ nào, môn nào, như thế mới có thể hỗ trợ con được. Tôi đồng tình với việc nhận xét kết hợp với cho điểm”.

(Anh Lê Ngọc Hải, phụ huynh học sinh lớp 9, Hà Nội)


“Tôi đồng tình với cách đánh giá này bởi bản thân con cũng sẽ không còn quá áp lực về điểm số. Ngoài ra, con cũng biết mình còn thiếu sót ở điểm nào để nỗ lực khắc phục”.

(Chị Mai Hải Tình, phụ huynh học sinh lớp 6, Hà Nội)Tác giả
Theo Vietnamnet
Mong ước của Bác Hồ về ngày vui thống nhất đất nước
Mong ước của Bác Hồ về ngày vui thống nhất đất nước
(Ngày Nay) - Trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Đó vừa là dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là niềm mong ước lớn lao của Người về thắng lợi của cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước.
Màn quảng cáo của VNPAY bị chỉ trích dữ dội. Ảnh: Internet.
VNPAY của ai?
(Ngày Nay) - Màn quảng bá thương hiệu lố bịch của VNPAY trong buổi tổng duyệt trình diễn 10.500 thiết bị bay không người lái (drone) chào mừng Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vấp phải chỉ trích gay gắt từ dư luận.
Hà Nội còn 126 xã, phường đảm bảo tầm nhìn dài hạn
Hà Nội còn 126 xã, phường đảm bảo tầm nhìn dài hạn
(Ngày Nay) - Theo Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, 126 đơn vị hành chính cấp xã dự kiến được thành lập, nhằm đảm bảo có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phát triển và có tầm nhìn dài hạn.
Hình ảnh người mẹ Việt Nam Anh hùng được tái hiện rõ nét, đầy xúc cảm trong từng tiết mục biểu diễn.
“Ngày hội Non sông” – Tri ân bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua nghệ thuật Xiếc
(Ngày Nay) - Diễn ra từ ngày 26/4 - 4/5/2025 tại Rạp Xiếc Trung ương (Hà Nội), “Ngày hội Non sông” là sự kiện nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bằng ngôn ngữ Xiếc giàu cảm xúc, chương trình không chỉ tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hào hùng mà còn tôn vinh hình ảnh người mẹ Việt Nam Anh hùng – biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết.
Tinh gọn bộ máy: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Tinh gọn bộ máy: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
(Ngày Nay) - Nhằm nhanh chóng triển khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giúp rút ngắn thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, cải thiện chất lượng phục vụ, giảm tình trạng phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh Hưng Yên và Bình Phước đã triển khai nhiều hành động quyết liệt nhằm nhanh chóng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Hàn Quốc sử dụng AI phát hiện video giả mạo về bầu cử
Hàn Quốc sử dụng AI phát hiện video giả mạo về bầu cử
(Ngày Nay) - Các quan chức Hàn Quốc ngày 27/4 cho hay Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) của nước này vừa giới thiệu một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện tin giả do Cơ quan Pháp y Quốc gia (NFS) phát triển để ngăn chặn sự lây lan của các video deepfake giả mạo trong cuộc bầu cử tổng thống sớm vào ngày 3/6 tới.