Ngày 4/10, Hoàng gia Jordan cho biết việc Quốc vương nước này Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật, đồng thời nhấn mạnh vì các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này. Quốc vương Abdullah II là một trong những nhân vật lớn bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora" khi bị cáo buộc sở hữu những ngôi nhà sang trọng trị giá hơn 100 triệu USD ở Anh và Mỹ.
Cùng ngày, Thủ tướng Séc Andrej Babis đã bác bỏ các cáo buộc trong "Hồ sơ Pandora" rằng ông đã sử dụng một công ty ở nước ngoài để mua một bất động sản ở Pháp trị giá 22 triệu USD. Nhà lãnh đạo này khẳng định rằng những hành động của ông nằm trong khuôn khổ luật pháp. Tương tự, Tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến việc bán mỏ đồng và mỏ sắt Minera Dominga ở Quần đảo Virgin thuộc Anh được nêu trong "Hồ sơ Pandora". Văn phòng của Tổng thống Chile khẳng định ông Pinera đã không điều hành các công ty của mình trong 12 năm và không được thông báo về việc bán các mỏ của Minera Dominga.
Trong khi đó, Điện Kremlin cũng gọi những gì được nêu trong "Hồ sơ Pandora" là "những cáo buộc thiếu căn cứ". Trước đó, bình luận về việc công bố "Hồ sơ Pandora", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova dẫn nhận định của báo Guardian cho rằng cuộc điều tra của ICIJ cho thấy Mỹ cũng là một trong những "thiên đường thuế lớn nhất". Bà cho rằng Mỹ có ý định biến cuộc chiến chống tham nhũng trở thành nhiệm vụ an ninh quốc gia chủ chốt. Vấn đề này cũng đã được đề cập trong Bản Ghi nhớ Nghiên cứu An ninh quốc gia vềc uộc chiến chống tham nhũng được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo vào ngày 4/6 vừa qua.
"Hồ sơ Pandora", được ICIJ công bố ngày 3/10, bao gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu dưới nhiều hình thức, từ văn bản đến dữ liệu số, bị rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính ở nước ngoài. Với 2,94 terabyte dữ liệu, "Hồ sơ Pandora" điểm mặt hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, cùng nhiều người nổi tiếng, thành viên hoàng tộc và lãnh đạo tôn giáo. Hồ sơ cũng vạch mặt nhiều tội phạm lừa đảo, trùm ma túy tìm cách tẩu tán tài sản đến những thiên đường thuế ở nước ngoài. Theo "Hồ sơ Pandora", những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác. Đây được đánh giá là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017).