Giữ gìn văn hóa truyền thống Tết Việt

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Việc tái hiện không gian Tết xưa mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhiều năm gần đây được người dân hưởng ứng và tham gia tích cực.
Giữ gìn văn hóa truyền thống Tết Việt

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa cho người dân, đặc biệt là trẻ em gắn với Tết cổ truyền. Việc tái hiện không gian Tết xưa mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhiều năm gần đây được người dân hưởng ứng và tham gia tích cực. Đây là dịp để mỗi người có cơ hội trải nghiệm, hoài niệm về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Gìn giữ Tết xưa

Những ngày này, “Phiên chợ Tết xưa” tổ chức tại Phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình thu hút rất đông người dân, du khách đến tham gia, trải nghiệm. Phiên chợ được tổ chức nhằm kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo không gian vui chơi, trải nghiệm không khí Tết cổ truyền của dân tộc.

Phiên chợ tái hiện chợ Tết của người dân đồng bằng Bắc Bộ với các chuỗi hoạt động trải nghiệm ẩm thực, quà tặng, cây hoa Tết, thủ công, quần áo, trang trí, ông Đồ, tò he… hay cuộc thi gói bánh chưng, trò chơi dân gian và chương trình nghệ thuật.

Bà Trần Thị Diệp Anh, Giám đốc Ban Quản lý Phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình cho biết, “Phiên chợ Tết xưa” là dịp để người dân, du khách có cơ hội đắm chìm trong không khí Tết, tìm hiểu về nền văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc. Bên cạnh việc tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng địa phương, phiên chợ mang đến không khí Tết cổ truyền để nhân dân, du khách cùng nhau trải nghiệm, khám phá.

Bảo tàng Ninh Bình vừa tổ chức Trưng bày chuyên đề "Không gian Tết xưa", thu hút đông đảo nhân dân, đặc biệt là học sinh đến tham quan, trải nghiệm. Để tái hiện lại không gian chợ Tết xưa, Bảo tàng Ninh Bình sắp xếp và trang trí gian hàng theo phong cách dân gian: Gian ông Đồ; gian đồ gốm, sành sứ, nông ngư cụ; gian hàng mã, đồ lưu niệm; gian nông sản; gian trải nghiệm gói bánh chưng; không gian hoa, cây cảnh...

Các gian hàng trưng bày nhiều mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như, lá dong, gạo nếp để gói bánh chưng, các loại trái cây (ngũ quả) để cúng tổ tiên, hoa quả, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...

Các gian hàng được trang trí tiểu cảnh, tạo không gian hấp dẫn như rổ, rá, chổi, quang gánh... tạo thành không gian gần gũi với làng quê Việt Nam. Tham gia phiên chợ Tết tại Bảo tàng Ninh Bình, khách tham quan còn được trực tiếp mua bán mặt hàng Tết, tham gia trò chơi dân gian như: đánh đu, nhảy dây, múa sạp, kéo co, chơi ô ăn quan...

Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cho biết, đây là năm thứ tư đơn vị tổ chức "Không gian Tết xưa" với mong muốn góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của ông cha, giúp mỗi người thêm yêu quê hương, đất nước, trân quý những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Để trẻ thêm yêu Tết Việt

Nhằm tái hiện không gian văn hóa, ẩm thực, phong tục Tết cổ truyền, mang đến cho học sinh những hoạt động trải nghiệm thú vị về nét đẹp văn hóa dịp Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam, Cơ sở Mầm non tư thục Vàng Anh, thành phố Ninh Bình tổ chức Phiên chợ Xuân 2024.

Tại chương trình, nhiều tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian diễn ra như: Nặn tò he, múa rối nước, ông Đồ viết thư pháp, bày mâm ngũ quả... Để các em nhỏ tận hưởng không khí Tết cổ truyền đang đến rất gần tại ngay sân trường, các gian hàng được thiết kế mô phỏng phiên chợ miền quê với món bánh, trái cây truyền thống dịp Tết cùng góc chơi trò chơi dân gian. Học sinh có trải nghiệm rất thú vị đó là trực tiếp làm các công đoạn gói bánh chưng.

Cô Nguyễn Thị Ruyên, chủ Cơ sở Mầm non tư thục Vàng Anh cho biết, gói bánh chưng Tết là hoạt động thường niên của cô giáo và trẻ mầm non ở đây với mong muốn các em hiểu về truyền thống, phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc dịp Tết đến, Xuân về.

Những hoạt động vui đón Tết này là cách giáo dục rất sinh động cho trẻ em về tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình thể hiện qua Tết truyền thống và mùa xuân quê hương với nhiều nét đẹp đặc trưng phong tục, tập quán.

Những ngày giáp Tết, nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình, hoạt động tái hiện lại nét đẹp Tết cổ truyền như: Phiên chợ Tết, Hội chợ Xuân..., tạo ra những giờ ngoại khóa bổ ích, thế hệ trẻ được trải nghiệm hoạt động Tết Nguyên đán đầy đủ, ý nghĩa hơn, giúp các em hiểu, trân trọng và yêu quý văn hóa truyền thống.

Em Phan Ngọc Anh, lớp 11A1, Trường Trung học Phổ thông Ninh Bình - Bạc Liêu, thành phố Ninh Bình chia sẻ, em rất hào hứng khi được chơi các trò chơi dân gian và lần đầu tự tay làm chiếc bánh chưng từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, quây quần bên bếp lửa hồng để hoàn thành sản phẩm, trải nghiệm không khí chợ phiên tấp nập ngày Tết. Qua đó, em có thêm cơ hội khám phá để thêm yêu quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc.

Tết Nguyên đán là lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt. Không khí, không gian Tết cổ truyền dân tộc luôn mang những giá trị văn hóa, tinh thần trường tồn theo thời gian. Tái hiện không gian Tết xưa giúp người dân hoài niệm về ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc cũng như lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau, đồng thời giúp thế hệ trẻ có thêm kiến thức để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Đường sắt Việt Nam tiếp tục xảy ra sự cố tàu hoả trật bánh
(Ngày Nay) - Ngày 1/11/2024, trên tuyến đường sắt vào ga Hải Vân Nam (TP. Đà Nẵng) tiếp tục xảy ra vụ trật bánh tàu khiến 3 toa hàng lật, gây ách tắc đoạn tuyến qua đèo Hải Vân. Trước đó, đường sắt Việt Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tương tự, mà các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cần xem xét về yếu tố chất lượng, niên hạn toa tàu, nhất là toa tàu hàng.