Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn được nhiều du khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam, nổi bật là Khu Di sản Tràng An.
Tràng An là nơi chứa đựng kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của con người qua hàng ngàn năm biến đổi địa chất, địa mạo cùng với quá trình thích ứng và tiến hóa; là cái nôi lưu giữ nền văn hóa lúa nước, khởi đầu từ việc khai thác nguồn sinh dưỡng săn bắn, hái lượm từ rừng và biển họ đã bắt đầu biết canh tác nông nghiệp.
Tràng An từng là nơi đô hội, ken dày những dấu ấn của người tiền sử. Qua thời gian, các lớp cư trú của cư dân cổ Tràng An đã cùng nhau bồi đắp nên giá trị truyền thống trong quá trình lao động sản xuất, xây dựng nên làng xã, nhà ở mang tính chất tiêu biểu, xuyên suốt, đa dạng trong lịch sử và văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, theo thống kê sơ bộ, trong vùng lõi Di sản Tràng An còn khoảng trên 100 nếp nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên, Ninh Xuân (huyện Hoa Lư).
Dù về kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau song những ngôi nhà cổ đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển. Nhà cổ từ lâu đã được coi là một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích chuyên sâu về các chủ đề: Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản thế giới Tràng An, kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam; Xây dựng tiêu chí và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Di sản thế giới Tràng An.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, nhà cổ ở các làng truyền thống vùng lõi di sản Tràng An có nhiều nét độc đáo, trong số các ngôi nhà cổ được khảo sát ở xã Trường Yên, một số có niên đại cách đây khoảng 100 năm, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, có thể thấy rõ mô hình kiến trúc truyền thống; một số ngôi nhà được trang trí hoa văn, tinh xảo. Bên cạnh những giá trị về vật chất, giá trị văn hóa phi vật thể ở các làng cũng rất nổi bật (tôn giáo, tín ngưỡng rất đa dạng).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội có quan điểm, những ngôi nhà cổ chủ yếu được cấu tạo cho những gia đình gồm hai thế hệ, nhiều nhất là ba, có ý nghĩa rất lớn đối với sự hình thành, củng cố của gia đình Việt Nam, rộng hơn là sự hình thành làng xóm ở nông thôn và sự cố kết của nó. Khi đất ở trong xóm đã chật, những gia đình mới thành lập đi dựng nhà ở nơi khác, lập thành những xóm mới có quan hệ mật thiết với những xóm cũ. Điều này thể hiện, mối liên hệ gia đình, gia tộc và làng xóm ở nông thôn rất bền chặt.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đánh giá, hội thảo đã đưa ra được nhiều nội dung, làm rõ việc lồng ghép bảo tồn nhà cổ, làng cổ trong công tác quản lý di tích và quy hoạch bảo tồn vùng di sản.
Thời gian tới, Ninh Bình cần xây dựng và hệ thống hóa các nhà cổ trong vùng lõi di sản; thu thập tài liệu lưu trữ khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống; đề xuất các phương án cải tạo và thay thế phù hợp, không làm mất đi hình ảnh, giá trị bản địa của mô hình nhà ở truyền thống đã có.
Bên cạnh việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản, tỉnh cần lồng ghép việc bảo tồn nhà cổ với quy hoạch bảo tồn, quy hoạch điểm dân cư trong vùng đệm, vùng lõi di sản làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng... Mặt khác, địa phương cần có cơ chế trong quản lý giữ gìn cấu trúc làng xóm hiện có, giữ gìn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, hạ tầng kinh tế của làng xã, phục hồi các công trình công cộng dân gian truyền thống.