“Lụt nguồn trôi trái bòn bon” – câu ca đã trở thành quen thuộc với người dân xứ Quảng – quê hương của trái bòn bon. Bòn bon có nhiều ở các vùng Đại Lộc, Tiên Phước, Nam Giang.
Cùng cô bạn thân du hí về vùng quê bán sơn địa Tiên Phước nơi mà khi nhắc tới người ta sẽ nghĩ ngay tới trái bòn bon mang hương vị ngọt thanh của núi rừng Quảng Nam, tôi được “ngợp mắt” trước những vườn cây bòn bon trĩu quả vàng ươm.
Được ăn thỏa thích, hai đứa còn được nghe kể chuyện về loại quả đặc biệt này. Bòn bon còn được gọi là “nam trân” (trái quý của phương Nam) vì đã từng cứu chúa Nguyễn thoát nạn đói khát trên đường chạy trốn. Rồi khi xưa loại quả này mọc trong rừng và chỉ có vua chúa mới được dùng. Vỏ bòn bon còn được người dân sử dụng như một vị thuốc.
Cuộc sống phát triển, văn hóa ẩm thực cũng phát triển theo. Về Tiên Phước ngoài những trái bòn bon ngọt lịm tôi còn được thưởng thức gỏi bòn bon vô cùng đặc sắc. Gỏi bòn bon tôm thịt có thể nói là một tinh hoa ẩm thực của người Quảng.
Vị của rừng (bòn bon), vị của đồng bằng (thịt ba chỉ) hòa với vị của biển (tôm) khiến thực khách ăn một lần rồi nhớ mãi. Lần đầu ăn bòn bon và cũng là lần đầu ăn gỏi từ trái cây, ấn tượng của tôi với món ăn này lại càng khó phai hơn. Vị ngọt của trái bòn bon cứ đọng lại mãi trên đầu lưỡi.
|
Gỏi bòn bon đậm đà, đặc sắc mà cách làm lại vô cùng đơn giản. Chuẩn bị thịt ba chỉ (luộc thái mỏng), tôm sú (luộc, bóc vỏ, bỏ đầu), nước mắm chanh tỏi ớt. Trộn tất cả với bòn bon đã tách thành từng múi, cuối cùng rắc đậu phộng và vừng lên trên. Gỏi bòn bon mà ăn kèm với bánh phồng tôm nữa thì ngon miễn bàn.
Quả thật đúng như người xưa nói “đói lòng ăn trái bòn bon”, ăn hoài ăn mãi mà tôi chẳng thấy chán. Ăn một lần rồi lại muốn trở lại vùng đất gò đồi này để được đắm mình trong hương vị thanh tao ấy.