Trở lại phòng khách, GS.TSKH. Ngô Huy Cẩn - bố của Ngô Bảo Châu kể cho tôi nghe chuyện ông đã dạy toán cho Châu lúc nhỏ như thế nào. Ông nói “Buổi đầu, tôi ra cho Châu mỗi ngày 7 đến 8 bài toán để Châu làm. Tôi không ngờ, Châu làm nhanh quá. Về sau, tôi ra bài tập cho cả một chương trình toán. Tôi ra bài theo cấp số nhân như vậy… Châu thường chơi cờ với các chú dạy toán sau mỗi buổi học. Đánh cờ cũng là một cách để ôn luyện tư duy toán học. Châu chơi cờ rất khá. Các chú ở viện cơ học nơi tôi công tác thường chơi cờ với Châu và khen Châu lắm…”.
GS. TSKH. Ngô Huy Cẩn sinh năm 1941, quê ở Tảo Khê, Ứng Hòa (Hà Tây cũ). Ông học ở Nga, làm luận án tiến sỹ khoa học ở đó và được nhà nước ta phong giáo sư năm 1990. Nhiều năm ông ở trong quân đội. Ông nói vì ở trong quân đội khá lâu, đi công tác nhiều cho nên việc chăm sóc Châu chủ yếu là nhờ bên ngoại. Được biết, Ngô Bảo Châu là cháu của GS Toán học Ngô Thúc Lanh người viết cuốn đại số đầu tiên ở Việt Nam. Có thể nói, Ngô bảo Châu đã được giáo dục, được thừa hưởng truyền thống tri thức, truyền thống hiếu học của gia đình bên nội lẫn bên ngoại.
Từ nhỏ Ngô Bảo Châu đã được giáo dục toàn diện. Được học vẽ, học nhạc, học chơi đàn Violon. Bà Vân Hiền nói rằng, việc quan trọng bậc nhất mà gia đình luôn nhắc nhở, định hướng cho Châu là học làm người mà điều quan trong bậc nhất của con người là tính trung thực. “Mẹ tôi bảo nói dối là tội to nhất trên đời. Bây giờ, tôi mới thấy, đi làm khoa học thì trung thực là điều quan trọng bậc nhất trên đời”, GS Ngô Bảo Châu tâm sự.
Giáo sư Ngô Bảo Châu bên bố mẹ. |
GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học nổi tiếng với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán. Ông là người Việt Nam đầu tiên giành được huy chương Fields (như giải Nobel trẻ về toán học). Công trình này đã được tạp chí danh tiếng Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Ngô Bảo Châu là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được phong hàm GS. Năm 2012, GS Ngô Bảo Châu được bầu là hội viên hội toán học Hoa Kỳ. Khi viện nghiên cứu cao cấp về toán học của Việt Nam thành lập, GS Ngô Bảo Châu đảm nhận chức giám đốc khoa học của viện. GS Ngô Bảo Châu đã được tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Ngô Bảo Châu cũng được vinh danh là công dân thủ đô Hà Nội lần thứ nhất. Trường đại học danh tiếng Chicago của Hoa Kỳ đã tặng danh hiệu giáo sư xuất sắc cho cho Ngô Bảo Châu và mời GS Ngô Bảo Châu ở lại giảng dạy.
Năm 1994, GS Ngô Bảo Châu kết hôn với Nguyễn Bảo Thanh người bạn học chuyên toán cùng lớp thời còn học ở trường THCS Trưng Vương.
Vợ chồng GS Ngô Bảo Châu đã có ba cô con gái: Ngô Thanh Hiên (sinh năm 1995); Ngô Thanh Nguyên (sinh năm 2000) và Ngô Hiền An (sinh năm 2003). Hiện vợ chồng GS Ngô Bảo Châu đang làm việc ở trường đại học Chicago và các con của GS Châu cũng đang học ở Hoa Kỳ.
GS Ngô Bảo Châu sinh sống và học tập nhiều năm ở châu Âu, nhưng trong tư tưởng luôn thấm nhuần những minh triết của phương Đông. Nói về đạo Phật, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Triết lý nhà Phật giúp cho con người một nhân sinh quan rộng rãi giải phóng nhiều định kiến. Đó là một tố chất quan trọng của nhà khoa học”.
Qua trò chuyện với GS Ngô Huy Cẩn và PGS. TS. Trần Lưu Vân Hiền, những bậc sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ Ngô Bảo Châu tôi hiểu được nhiều điều. Khi bắt đầu đi học, Châu được gửi vào trường thực nghiệm Giảng Võ, nơi dạy phương pháp học mới “Học mà chơi, chơi mà học”. Sau đó, Ngô Bảo Châu lại được chuyển qua trường PTCS Trưng Vương lâu đời; rồi vào học chuyên toán đại học tổng hợp Hà Nội. Ở Pháp, Ngô Bảo Châu được học ở những trường đại học nổi tiếng thế giới như đại học Paris 6, đại học Paris 11. Phải chăng ngoài đôi chút ngẫu nhiên là chủ ý của gia đình …?!
“Không phải ai cũng có khả năng đoạt giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa”– GS Ngô Bảo Châu đã từng nói vậy.
Để tạo nên thiên tài, có rất nhiều yếu tố. Nhưng để mỗi người có cuộc sống có ý nghĩa như Ngô Bảo Châu đã nói thì việc giáo dục bồi dưỡng nhân cách cho con, cho cháu là việc mà ai cũng phải làm và có thể làm được.
Khổng Tử nói “Nhân chi sơ tính bản thiện” là ý nói khi mới sinh ra con người ai cũng như ai, cho nên việc giáo dục làm người mà trong đó giáo dục gia đình và môi trương văn hóa xã hội là tối quan trọng.
Nhưng, Tuân Tử lại nói “Nhân chi tính ác, kỷ thiện giả ngụy giả, tức bản tính con người là ác, điều thiện là do con người đặt ra”. Tuy hai bậc tiền nhân nói có vẻ khác nhau, trái ngược nhau, nhưng cái đích cuối cùng vẫn là việc nhấn mạnh vai trò giáo dục của của con người, của gia đình và xã hội.
Tài năng, dù trên bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn gắn với sự sáng tạo. Để có sáng tạo con người phải được sống và làm việc trong một môi trương gia đình và xã hội tối ưu. Con người phải được tự do đúng theo nghĩa chính xác nhất của từ này. Đúng như GS Ngô Bảo Châu, một tài năng toán học lớn, một nhân cách lớn, một người con hiếu thảo, một công dân gương mẫu đã nói “Bám theo lề là việc của con Cừu, không phải là việc của con người tự do…”.
>>> Xem thêm:
Chuyện ít biết về gia đình siêu mẫu Hà Anh
Cặp đôi ca sĩ Lý Hải - Minh Hà: Yêu nhau, sẽ vì nhau thay đổi!