Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004. Với sự tham gia của hơn 180 thành phố trên thế giới thuộc 72 quốc gia thành viên của UNESCO, Mạng lưới thành phố sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Mạng lưới thành phố sáng tạo có 7 lĩnh vực sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa để xét ghi danh, công nhận các thành phố đạt chuẩn danh hiệu này gồm: Thủ công - Nghệ thuật dân gian; Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn - Media Arts; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học; Âm nhạc. Qua sự tham vấn của nhiều tổ chức, chuyên gia… Hà Nội đã lựa chọn lĩnh vực thiết kế để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xét ghi danh.
Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở VHTT Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo thành phố Hà Nội, các Sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội. Bên cạnh công tác điền dã, thu thập tư liệu và tài liệu, đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, tổ chức hội thảo quốc tế đã được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý hồ sơ của các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước. Vốn có thế mạnh trong lĩnh vực ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian… nhưng lĩnh vực thiết kế vẫn được xem là một trong những tiêu chí tiêu biểu của thủ đô Hà Nội, nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng cũng như các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý… để ứng cử vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhìn nhận: “Tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô đối với thế giới…”. Sự sáng tạo trước hết xuất phát từ nền tảng “sức trẻ” của Hà Nội. Theo thống kê Hà Nội là một thành phố có cơ cấu dân số vàng (51,7% dân số trẻ), có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học công nghệ và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố. Lĩnh vực thiết kế của Hà Nội không chỉ có bề dày hình thành và phát triển mà hơn thế còn có sự giao thoa, sáng tạo của nhiều nền văn hóa khác nhau. Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là một trong những minh chứng thuyết phục nhất. Không chỉ là công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời mà đây còn là kinh thành còn lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, khảo cổ học cũng như giá trị văn hóa… của thành phố Hà Nội.
Cầu Nhật Tân mang giá trị kiến trúc hiện đại của Hà Nội |
Bên cạnh đó, Hà Nội còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc, lưu giữ những sáng tạo về kiến trúc đa dạng của phong cách phương Tây và phương Đông, của kiến trúc bản địa và văn minh thế giới, chen lẫn giữa kiến trúc cổ điển và đương đại như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Long Biên, cầu Nhật Tân… Sự sáng tạo về kiến trúc của thành phố Hà Nội như một dòng chảy vẫn tiếp tục khơi nhiều mạch nguồn mới. Đơn cử như những năm gần đây, thành phố Hà Nội vẫn lóe sáng những sáng tạo không ngừng về lĩnh vực kiến trúc. Ngay sau khi Đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội do Sở VHTT hoàn thành, các nhà thiết kế sáng tạo đã ứng dụng các giải pháp thiết kế sáng tạo vào việc tái tạo, kết nối các di sản vào thiết kế thời trang, trình diễn trong các lễ hội đường phố, các không gian sáng tạo văn hóa của Hà Nội.
Ngoài ra, nhiều dự án sáng tạo gần đây của thành phố Hà Nội cũng đem đến cho văn hóa kiến trúc của Hà Nội những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam xây dựng tại làng gốm Bát Tràng - Hà Nội đã thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống. Từ một làng nghề truyền thống, kiến trúc của ngôi làng cổ của Hà Nội cũng đã có những sáng tạo, chuyển mình về kiến trúc với sự tham gia của khoảng 300 nghệ nhân và 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ các làng nghề truyền thống tiêu biểu nhất của Hà Nội (như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh...) và trên cả nước. Tại đây còn có một trại sáng tác nghệ thuật dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, cũng như những người yêu gốm sứ. Triển khai trong hai năm từ 2016 đến 2018, chương trình “Trồng mới 1 triệu cây xanh” do UBND thành phố Hà Nội phát động vì mục tiêu kiến tạo đô thị bền vững cũng đã tạo nên nhiều giá trị mới về cảnh quan môi trường, diện mạo đô thị tại 120 tuyến phố chính… TS Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng quản lý di sản văn hóa, Sở VHTT Hà Nội khẳng định: “Hà Nội đã xây dựng ba sáng kiến, chương trình, dự án nhằm đạt được các mục tiêu của Mạng lưới ở cấp TP bằng cách đẩy mạnh vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững”.