Từ ngày 29/5 đến ngày 31/5, hơn 74.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia kiểm tra khảo sát chất lượng bằng hình thức trực tuyến.
Đây là đợt khảo sát đầu tiên trong tổng số ba đợt mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức trong năm 2020.
Số liệu tổng hợp kỳ khảo sát đầu tiên cho thấy, số học sinh nộp bài thành công của các môn đều cao, từ trên 97% đến gần 100%.
Tỷ lệ tham gia khảo sát, nộp bài thành công cao đã phản ánh sự quan tâm của phụ huynh, sự tham gia tích cực của học sinh đối với cuộc khảo sát lần này.
Cụ thể, môn Toán có 97,5%, Vật lý 98,9%, Hóa học 99,6%, Sinh học 99,7%, Lịch sử 99,6%, Địa lý 99,6%, Giáo dục công dân 99,8%, Tiếng Anh 99,6% học sinh nộp bài thành công.
Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức khảo sát trực tuyến với quy mô lớn, có hàng chục nghìn học sinh tham gia nên khó tránh khỏi tình trạng một số học sinh còn bỡ ngỡ, chưa quen.
Đánh giá về kỳ khảo sát, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, các đợt khảo sát này được tổ chức nhằm góp phần chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 12 toàn thành phố về kiến thức, kỹ năng phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.
Thông qua bộ đề khảo sát chung trong toàn thành phố, học sinh tự giác làm bài kiểm tra, tự đánh giá năng lực của bản thân, từ đó rèn luyện năng lực tự học, tự đánh giá bản thân.
Bên cạnh đó, kỳ khảo sát cũng làm tăng sự phối hợp của gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về thái độ, động cơ và ý thức học tập, rèn luyện.
Khi nhận được kết quả khảo sát, gia đình học sinh thấy được điểm mạnh, điểm yếu của học sinh trong từng môn học, từ đó có biện pháp phối hợp với nhà trường và giáo viên, kịp thời khắc phục.
Kết quả khảo sát cũng giúp cho các cấp quản lý giáo dục có dữ liệu để phân tích, đánh giá kết quả học tập của học sinh, thấy rõ vùng kiến thức học sinh còn yếu, kỹ năng học sinh còn thiếu trong từng môn học, để từ đó có giải pháp tổ chức dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục, đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.
Ngoài các mục đích nêu trên, kỳ khảo sát còn có mục đích cụ thể, đó là: Lần khảo sát thứ nhất tập trung vào việc vận dụng kiến thức vừa học để giải và làm các bài tập theo bài, chương tính đến thời điểm khảo sát.
Lần khảo sát thứ hai ở mức độ cao hơn, tập trung vào những kiến thức và kỹ năng của cả năm học đã được ôn tập, củng cố kiến thức khi kết thúc năm học.
Lần khảo sát thứ ba tập trung vào kiến thức, kỹ năng chương trình toàn cấp học trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12 đã được học sinh ôn tập, củng cố phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.
Để các kỳ khảo sát thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chuẩn bị kỹ các điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất, thiết bị.
Các bộ đề khảo sát được chuẩn bị kỹ càng theo đúng quy trình, hệ thống câu hỏi được chuẩn hóa.
Đội ngũ giáo viên ra đề là những giáo viên bộ môn có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm trong việc ra đề thi, đã nhiều lần tham gia công tác ra đề thi của thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì vậy, các đề khảo sát không chỉ phục vụ cho học sinh làm bài khảo sát, mà còn giúp cho đội ngũ giáo viên bộ môn của thành phố tham khảo học tập việc xây dựng đề kiểm tra, đề thi trong dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.
Cùng với việc chuẩn bị về chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chuẩn bị, tính toán toàn diện khả năng cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền đáp ứng tốt nhất kỳ khảo sát.
Trước khi kỳ khảo sát lần thứ nhất diễn ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức cho gần 7.000 học sinh trung học phổ thông thực hiện làm bài thử nghiệm trên hệ thống.
Kỳ khảo sát lần thứ nhất đã hoàn thành vào ngày 31/5, mỗi học sinh trung học phổ thông dự kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (các môn Toán, tiếng Anh) và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Mỗi học sinh giáo dục thường xuyên dự kiểm tra 2 bài, trong đó có 1 bài bắt buộc là môn Toán và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý).
Các bài kiểm tra được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Học sinh làm bài khảo sát tại nhà, ngoài giờ học trên lớp và đề nghị cha mẹ học sinh là người giám sát việc làm bài của học sinh, kết quả của bài khảo sát không bắt buộc lấy điểm.
Trong quá trình tổ chức khảo sát đợt 1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã ghi nhận hiện tượng chống phá kỳ khảo sát này như tổ chức giải bài đưa đáp án lên mạng xã hội, kích động học sinh không tham gia khảo sát, viết bài hoặc thông tin không đúng lên mạng xã hội.
Trong các kỳ khảo sát tiếp theo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, xử lý hiện tượng này.
Bước đầu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có Công văn số 1695/SGDĐT-GDPT ngày 2/6/2020 đề nghị Công an thành phố Hà Nội điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật việc làm của các đối tượng có hành vi chống phá, tấn công vào hệ thống, làm ảnh hưởng đến hệ thống đường truyền, làm sai lệch mục đích của kỳ khảo sát, không mang tính giáo dục, tạo dư luận xấu trong cộng đồng, nhất là đối với các em học sinh trong việc học tập, thi cử.
Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp là giáo viên, học sinh cố tình vi phạm các quy định của pháp luật cũng như quy chế của ngành.
Ngay sau khi kết thúc kỳ khảo sát đầu tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức hội nghị trực tuyến với đại diện các trường Trung học phổ thông, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên tham gia khảo sát.
Đa số các ý kiến đều đánh giá tích cực về đợt khảo sát vừa qua. Đặc biệt, đợt khảo sát giúp cho học sinh tự đánh giá thực lực để có thể chủ động bổ khuyết, nâng cao kiến thức của mình. Đồng thời, việc khảo sát trực tuyến giúp cho học sinh làm quen với cách học và thi mới, tự mình đặt ra các mục tiêu trong học tập.
Nhiều ý kiến cho rằng hình thức khảo sát trực tuyến góp phần giảm thời gian, kinh phí, các nguồn lực khác cho phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo và nhà trường; đặc biệt là không gây áp lực đối với học sinh và giáo viên trong giai đoạn cuối năm học sau thời gian dài nghỉ dịch bệnh COVID-19./.