Theo ghi nhận tại chợ hoa Quảng Bá trên đường Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Thủy ở làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, giá đào chiều 6/2 (tức 28 tháng Chạp) đã giảm so với hôm 5/2. Nếu hôm 5/2, một cành đào chiều cao khoảng 1,2 mét, tán rộng khoảng 60cm bán với giá 250 nghìn đồng một cành thì chiều 6/2 bán với giá 200 nghìn đồng.
Nguyên nhân do Hà Nội hửng nắng nên đào cũng nở hơn. Mặt khác, chỉ còn 1 ngày nữa là tết nên nhà chị phải bán cho hết, nếu ngày mai nắng thì giá sẽ còn giảm nữa.
Hà Nội hửng nắng, giá quất, đào đã giảm.
Theo chị Thủy, năm nay thị hiếu của người tiêu dùng thích mua đào cành và quất nhỏ để bàn nên những cây đào to không đắt khách bằng cành. Thêm nữa, quất năm nay khá đa dạng từ cây nhỏ để bàn đến cây to trưng bày ở cơ quan nên sức mua đào cũng bị ảnh hưởng.
Tại chợ hoa trên đường Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Nguyễn Hải Yến đang bán đào chia sẻ, giá đào chiều 6/2 giảm khoảng 30% so với hôm trước: “Cành đào cao hơn 1m, tán rộng khoảng 40cm hôm qua tôi bán 120 nghìn đồng nhưng chiều nay tôi bán với giá 80-90 nghìn đồng còn chưa có người mua”.
"Đại hạ giá" đến "biếu không"
Vào sáng 29 Tết, giá đào trên đường Láng giảm xuống chỉ còn một nửa, có nơi bán "Đại hạ giá". Biết trước được tâm lí, càng gần Tết càng rẻ, nhiều người mua còn "ép" giá xuống đáy để "tậu" cho mình một loài cây cảnh ngày Tết.
Ông Hoàng Hà (Hoàng Hoa Thám), cho rằng: "Mua ngày này, giá rẻ hơn thậm chí nhiều người bán hàng còn 'cố' đến 30, giá còn rẻ nữa, thậm chí còn biếu không".
Một chủ vườn Đào tại Nhật Tân thừa nhận: "Nếu trước mùng 1 mà không bán được, thì chỉ có vứt đi. Mỗi năm một vụ, những cây cổ thụ thì có thể giữ lại để năm sau bán được, còn những cây nhỏ nếu mang về chăm sóc tiếp có khi còn đắt hơn trồng mới".
Anh này chua chát: "Nhà mình năm nào cũng cố bán đến đêm 30, may ra có người mua để vớt được đồng nào hay đồng đó".
Trái với niềm vui của người mua, người bán cây hoặc người nông dân trồng lại "méo mặt" vì giá xuống thấp không đủ trang trả cho công sức, chi phí chăm sóc cả năm trời.
Chị Minh Anh buồn bã: "Trước nhà mình có vườn trồng đào nhưng nhiều năm liền bị ế nên mình chuyển từ trồng đào sang buôn đào. Bỏ thì tiếc nhưng càng cố càng chết".
Sáng ngày 29 Tết, Pv ghi nhận, giá quất cỡ vừa bị "ép" giá xuống 50.000 đồng/cây mà chủ hàng miễn cưỡng phải chấp nhận.
Chị Minh Anh than thở: "Nhiều người mua chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ ham rẻ mà không nghĩ tới mồ hôi, nước mắt của người trồng đào, mai, quất. Cả năm chúng tôi bám mặt cho trời, cho đất, chăm bẵm cây như chăm con mọn chỉ để bán cây trong vài ngày. Nếu rẻ quá, chúng tôi cũng không sống được với nghề này ngày Tết", chị này thở dài.
Dù biết, năm nào cũng có tình trạng này. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp cụ thể để hỗ trợ những người trồng đào, quất để thu nhập của họ đỡ chông chênh như thế này.
Cho dù, nhiều người dân khó tính cho hay: "Trước Tết bán cho đắt vào để cận tết lại đi thanh lí". Dường như đó là điều nghịch lí, nhưng ngẫm lại cũng chẳng có nghề nào khổ như nông dân trồng đào, quất ngày Tết.
P.V