Các dự án Hà Nội đang kêu gọi đầu tư đáng chú ý là các dự án xây dựng công viên với tổng diện tích lên tới 1.086,68 ha, tổng vốn đầu tư khoảng gần 40 ngàn tỷ đồng. Lớn nhất là dự án công viên Đông Anh, diện tích hơn 200ha, tổng vốn đầu tư 6000 tỷ đồng. Thứ hai là công viên vườn hoa, giải trí, nghỉ ngơi kết hợp bảo tồn vườn quả Từ Liêm và du lịch sinh thái nông nghiệp tại quận Bắc Từ Liêm, 178 ha, tổng vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng. Trong khu vực nội đô, dự án đáng chú ý là công viên Hạ Đình, công viên Đầm Hồng (quận Thanh Xuân), công viên Bách Thảo Bắc Từ Liêm..
Lĩnh vực cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ có 11 dự án kêu gọi đầu tư gồm: các khu tập thể Yên Lãng, Đồng Nhân, Mai Hương, Quỳnh Lôi, Vĩnh Tuy, Trương Định, Sài Đồng, Thượng Thanh, Lương Quy.
Tại Hội nghị Hà Nội 2018- Hợp tác đầu tư & phát triển Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ đô la Mỹ), trong đó: có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ 428 triệu đô la Mỹ), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố Hà Nội, các Tỉnh, Thành phố trong Vùng, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ trao 24 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới khoảng gần 70.000 tỷ đồng. Kết quả này, đã đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua: 6 tháng đầu năm 2018, với tổng số vốn FDI thu hút là 5 tỷ 915 triệu đô la Mỹ, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước của năm 2018.
Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch và các dự án liên kết, phát triển Vùng, các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân; các nhà máy xử lý rác thải, xử lý bùn; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; các nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm; chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; các trường học, trường đại học, trường dạy nghề; các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ,...
Chủ tịch Hà Nội cam kết, thành phố “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. |
“Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên định với mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”; Sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các đề nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; Tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ;tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua bán, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiết kiệm, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường, các giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở hài hòa lợi ích, khai thác thế mạnh của mỗi địa phương”, chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Ông Chung cũng thông tin thêm, kể từ ngày 01/8/2018, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp. Theo đó, khi thành lập doanh nghiệp, người dân chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà.