Theo đó các đơn vị, nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến phù hợp với kế hoạch dạy học thực tiễn của đơn vị. Việc kiểm tra, đánh giá bảo đảm đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình.
Các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tiếp (lớp 9, lớp 12) phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về kiểm tra, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT Hà Nội và các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Các nhà trường không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu, bài thực hành, thí nghiệm.
Các trường được chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục trong bối cảnh học trực tuyến.
Văn bản cũng nêu, với các môn khoa học xã hội và nhân văn, các nhà trường nên ra đề mở để học sinh có cơ hội được bộc lộ chính kiến. Căn cứ điều kiện thực tiễn, phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học phổ thông ra đề kiểm tra học kỳ và tổ chức kiểm tra học kỳ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và bảo đảm đúng quy định.
Trước đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm dạy học trực tiếp ở khối lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn thành phố, đến nay có 64 nghìn học sinh khối lớp 9, lớp 12 đi học đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT xác định vừa tổ chức kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi. Chủ động rà soát kết quả học tập trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh. Quản lý chặt chẽ kỷ luật nề nếp học tập của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học.