Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội vừa giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Thanh tra thành phố thanh tra, kiểm tra công tác quản lý vận hành các quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng; Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội (Handico); báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Thành ủy.
Về quỹ nhà chuyên dùng, UBND TP cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành, doanh nghiệp được giao quản lý tiến hành rà soát. Theo đó, toàn thành phố có 840 địa điểm với diện tích hơn 178 ngàn m2, hơn 155 ngàn m2 đất. Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý chủ yếu, với 803 địa điểm. Đáng chú ý, trong số này, có tới 403 địa điểm nhà chuyên dùng có tồn tại, vướng mắc, vi phạm.
Trong quỹ nhà chung cư tái định cư, thành phố cho biết tổng diện tích kinh doanh dịch vụ là hơn 85 ngàn m2. Trong đó, hơn 47 ngàn m2 đã cho thuê; hơn 1.200 m2 đã bố trí làm phòng sinh hoạt cộng đồng; 744 m2 bị một số hộ dân và doanh nghiệp sử dụng trái phép; hơn 35 ngàn m2 diện tích kinh doanh dịch vụ còn trống.
Về quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại các chủ đầu tư phải bàn giao cho thành phố, còn tới 88/132 địa điểm, diện tích hơn 47 ngàn m2 chủ đầu tư chưa thu hồi được từ đơn vị, cá nhân đang thuê…
Số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, số nợ còn phải thu từ các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố là hơn 884 tỷ đồng. Trong số này, nợ khó thu, theo thống kê là hơn 492 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản nợ xấu, nợ khó đòi, khả năng thu hồi rất thấp lên tới hơn 382 tỷ đồng, gồm: quỹ nhà chuyên dùng hơn 291 tỷ đồng; quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước gần 2 tỷ đồng; diện tích kinh doanh dịch vụ quỹ nhà tái định cư gần 89 tỷ đồng.
Liên quan đến hoạt động của Handico, vào năm 2018, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra tại 6 đơn vị là doanh nghiệp thành viên và doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Handico gồm: Handico, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68, Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội, Công ty Cổ phần Tu tạo và phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội.
Báo cáo Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra rằng, có 2/6 công ty chưa tăng đủ vốn điều lệ, gồm: Công ty mẹ (vốn góp của chủ sở hữu nhỏ hơn vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2016 là 224 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (vốn góp của chủ sở hữu nhỏ hơn vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2016 là 106 tỷ đồng).
Nguyên nhân được chỉ ra là do 2 đơn vị này đều là doanh nghiệp do nhà nước nắm gữ 100% vốn góp, việc tăng vốn sẽ được chủ sở hữu thực hiện trong 3 năm, đồng thời nguồn vốn tăng được xác định từ nguồn lợi nhuận sau thuế. Do đó, việc tăng vốn còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của từng đơn vị.
Về kết quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị, kết luận thanh tra cho biết có 2 công ty do Công ty mẹ - Tổng công ty đầu tư vốn hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc còn lỗ lũy kế nên chưa bảo toàn và phát triển vốn; có khả năng rủi ro về an toàn tài chính.