Hà Nội: Tạm dừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, từ 0h ngày 29/5. 
Hà Nội: Tạm dừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng

Các cơ sở tôn giáo nghiêm túc đóng cửa phòng dịch

Trao đổi với báo chí, Trung tá Đoàn Văn Dương, Trưởng Công an phường Quảng An (quận Tây Hồ), cho biết, sáng 29-5, phủ Tây Hồ đã tạm đóng cửa theo quy định, trước cổng có đặt biển thông báo và lực lượng công an phường cắm chốt để nhắc nhở người dân không vào phủ hành lễ. Theo Trung tá Đoàn Văn Dương, vào ngày rằm tháng Tư âm lịch mới đây, phủ Tây Hồ đã đóng cửa không tiếp khách, nhưng có hiện tượng một số người dân đến đứng ngoài đặt hương hoa lễ vọng, Công an phường và Ban Quản lý di tích đã nhanh chóng có mặt giải thích, yêu cầu người dân tuân thủ quy định phòng dịch.

Tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên), 6 cơ sở đền, chùa đều thực hiện đúng quy định đóng cửa không để người dân đến tụ tập cúng lễ. Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn Bùi Trí Đức cho biết, lực lượng cán bộ phòng, chống dịch được phân công tăng cường kiểm tra, giám sát trước cửa đền, chùa, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nếu có.

Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Hải, phường tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định phòng, chống dịch của người dân cũng như tạm dừng hoạt động tại các cơ sở kinh doanh, hoạt động tôn giáo.

Các cơ sở tôn giáo, khu di tích trên địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng dán thông báo tạm đóng cửa, dừng mọi hoạt động lễ hội.

Quan sát tại chùa Thầy (xã Sài Sơn) và động Hoàng Xá (thị trấn Quốc Oai) của huyện Quốc Oai, phóng viên nhận thấy, chính quyền địa phương đã đặt rào chắn và dán thông báo dừng hoạt động hành lễ và đón khách thập phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, tối 28-5, nhận được chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn phát thông báo đến các cơ sở, yêu cầu tạm dừng hoạt động như quy định.

Việc thực hiện quy định của thành phố cũng khá nghiêm túc tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện Thường Tín. Các thông báo “Tạm ngừng đón khách để phòng, chống dịch Covid-19” được treo trước cửa các cơ sở tôn giáo để cảnh báo người dân. Theo Chủ tịch UBND xã Hà Hồi Nguyễn Văn Vinh, trên địa bàn xã có chùa Khê, di tích lịch sử nổi tiếng của huyện, vào dịp này hằng năm thường có rất đông tăng ni, phật tử đến an cư kết hạ. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của các cấp chính quyền, nhà chùa đã thông báo không đón tăng ni và tiếp khách, đề phòng lây lan dịch Covid-19.

Còn tại các xã Hồng Minh, Phú Túc, Hoàng Long... của huyện Phú Xuyên, tất cả đình, chùa, di tích lịch sử trong sáng 29-5 đã treo biển không đón khách, dừng các nghi lễ quan trọng trong tháng Tư âm lịch này.

Chủ tịch UBND xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Nam cho biết, 10 đình và 4 chùa trên địa bàn đã tạm dừng hoạt động, không cho người dân đến hành lễ để phòng, chống dịch.

Ông Vũ Quang Thịnh, Trung tâm thông tin Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, từ ngày 7-5, đã có công văn 1988/BNV-TGCP của Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ sở tôn giáo ở địa phương có dịch dừng các hoạt động tôn giáo. Trước tình hình mới, yêu cầu tạm đóng cửa các cơ sở tôn giáo của thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục được đơn vị cập nhật để cùng thực hiện và chung tay chống dịch.

Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định của thành phố, tại một số địa điểm công cộng, người dân vẫn chưa nghiêm túc trong phòng, chống dịch. Mặc dù chính quyền các địa phương đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động các công viên, vườn hoa, nhưng người dân vẫn cố tình tụ tập trước cổng để đi bộ, đạp xe, tập thể dục.

Cụ thể, vẫn còn nhiều người tập thể dục, thể thao dọc vỉa hè xung quanh Công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Ghi nhận tại khu vực xung quanh hồ Tây đoạn phố Trích Sài, Võng Thị (quận Tây Hồ), vào chiều tối hằng ngày, sáng sớm, vẫn có nhiều người dân đạp xe, đi bộ, bơi lội. Trên địa bàn phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), có 71 tòa nhà chung cư đều có các sân chơi, vườn hoa nên người dân thường tranh thủ tập thể dục, đi dạo vào sáng sớm, chiều, tối...

Trung tá Đoàn Văn Dương, Trưởng Công an phường Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết, quanh khu vực phủ Tây Hồ là bãi đất trống và đường dạo, thường tập trung đông người hóng gió, đơn vị thường xuyên tổ chức tuần tra nhắc nhở người dân không tập trung, không bơi lội và nghiêm túc đeo khẩu trang.

Còn theo Đại úy Nguyễn Tài Nghĩa, Phó Trưởng Công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), trên địa bàn thường có hiện tượng người dân dừng xe cho chim bồ câu ăn dưới tượng đài vua Lê trên đường Lê Thái Tổ, khu vực này cũng đã được Công an phường phối hợp cùng Tổ bảo vệ hồ Hoàn Kiếm tuần tra nhắc nhở và dán các thông điệp phòng, chống dịch ở vị trí thuận tiện để người dân chung tay thực hiện.

Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Hải cho biết, lực lượng chức năng phường thường xuyên tuần tra, giám sát, nhắc nhở người dân không tụ tập để phòng, chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, UBND huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, gắn trách nhiệm cho chính quyền cấp xã và yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tính từ ngày 27-4 đến nay, Công an huyện Quốc Oai đã xử phạt vi phạm hành chính 57 trường hợp không đeo khẩu trang và các cơ sở không tạm dừng hoạt động, với tổng số tiền 202 triệu đồng.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cũng cho biết, huyện đã thành lập 5 đoàn kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cam kết, quy định phòng, chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, huyện cũng thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng… nhằm phòng tránh lây nhiễm dịch trong cộng đồng. Cũng trên cơ sở kiểm tra, rà soát địa bàn trong hơn 1 tháng qua, các xã, thị trấn đã xử phạt 118 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền phạt là 218 triệu đồng.

Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, rất cần ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cùng chung tay phòng, chống dịch của mỗi người dân với tinh thần mỗi người là một “chiến sĩ” trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Có như thế, chúng ta mới sớm ngăn chặn và chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này.

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.