Theo báo cáo, Hà Nội trải qua 3 tháng đầu năm 2017 với nồng độ bụi cao trong không khí. Thời gian này, có 37 ngày nồng độ PM 2.5 (loại bụi mịn thường mang tính axit, có kích thước siêu nhỏ, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất đáng kể -PV) cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3), và 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 μg/m3.
Trong ba tháng đầu năm, chất lượng không khí Hà Nội dần cải thiện (nồng độ PM 2.5 trung bình từ 66,14 μg/m3 vào tháng 1 giảm xuống 44,85 μg/m3 vào tháng 3), nhưng vào những ngày cao điểm chất lượng không khí vẫn ở mức rất có hại cho sức khỏe. Cụ thể, ngày 15 tháng 2, có giờ nồng độ PM 2.5 trung bình đạt 234 μg/m3 vượt quá gần 5 lần Quy chuẩn Quốc gia và gấp 10 lần theo hướng dẫn của WHO.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2017, nồng độ trung bình PM 2.5 thấp hơn ở Hà Nội. So với Hà Nội, chất lượng không khí ở thành phố Hồ Chí Minh thực sự tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có đến 78 ngày cao hơn so với tiêu chuẩn của WHO (25 μg/m3).
Trước đó, Báo cáo hiện tượng môi trường quốc gia về không khí cũng cho biết, Hà Nội có mức độ ô nhiễm hơn hẳn thành phố Hồ Chí Minh dù có dân số và phương tiện cơ giới ít hơn. Hà Nội ô nhiễm hơn thành phố Hồ Chí Minh có thể liên quan đến đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp như công nghệ lạc hậu, khu công nghiệp nằm gần trục giao thông.
Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường, bên cạnh ô nhiễm bụi đã được cảnh báo nhiêu lần, thời gian gần đây ghi nhận thêm ô nhiễm Ozon và SO2 trong không khí đô thị nước ta. Ô nhiễm không khí là tác nhân gây ra nhiều bệnh, nhất là các bệnh về hô hấp.