Bên lề buổi thảo luận về chất lượng không khí Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Jason McInerney, Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Sức khỏe của Đại sứ quán Mỹ lý giải về khác nhau giữa số liệu đánh giá chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ và của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường).
Ông khẳng định với Zing.vn, các trạm đo lường của Đại sứ quán Mỹ đặt tại Hà Nội, TP.HCM và trên toàn thế giới đều hoạt động dựa trên những tiêu chuẩn nghiêm ngặt chung. “Chúng tôi hoàn toàn tự tin vào các chỉ số được công bố”, ông nhấn mạnh.
Ông Jason McInerney, Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Sức khỏe - ĐSQ Mỹ |
Bên cạnh đó, chất lượng không khí khác nhau giữa các khu vực trong thành phố được cho là yếu tố có thể đưa ra nhiều kết quả khác nhau. Các phương pháp tính toán và các chất gây ô nhiễm được đo cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến điều này.
“Tôi biết người dân rất hoang mang, không biết chỉ số nào mới đáng tin cậy. Thực ra, càng nhiều trạm quan trắc được lắp đặt, người dân càng có nhiều thông tin và lựa chọn. Việc tin tưởng vào chỉ số của cơ quan nào tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người”, ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Sức khỏe của Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh trạm quan trắc được đặt tại Đại sứ quán Mỹ (ở phố Láng Hạ, Hà Nội) chỉ hoạt động hiệu quả, chính xác trong khoảng cách 10 km. Điều đó đồng nghĩa với việc các chỉ số mà Đại sứ quán Mỹ công bố chỉ có giá trị ở khu vực một số quận trung tâm Hà Nội.
Đánh giá về chất lượng không khí ở Việt Nam, ông cho rằng điều này phụ thuộc vào cách nhìn, tiêu chuẩn của mỗi người. “So sánh với một số thành phố ở Trung Quốc hay Ấn Độ, tình trạng không khí ở Việt Nam chưa ở mức báo động đến vậy”, ông McInerney khẳng định.
Theo ông, để giảm ô nhiễm không khí, vấn đề quan trọng là nâng cao nhận thức cộng đồng. Ông cho biết Chính phủ Mỹ cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động giúp đỡ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam xây dựng một số trạm đo lường chất lượng không khí, trao đổi công nghệ, nhân lực...
"Ở Mỹ, chúng tôi nỗ lực cải thiện chất lượng không khí bằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng, ban hành và thực thi nghiêm ngặt các luật như Đạo luật Không khí sạch được ban hành vào năm 1970", ông McInerney nói.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Sáng tạo xanh (GreenID), trong quý I năm nay, chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” tại Hà Nội lại gia tăng.
Đỉnh điểm, ngày 15/2, chỉ số PM 2,5 trung bình đạt 234 μg/m3, vượt quá gần 5 lần quy chuẩn quốc gia và gấp 10 lần theo hướng dẫn của WHO.
Chính phủ Mỹ lắp đặt máy quan trắc chất lượng không khí trên mái tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội từ tháng 4/2015 và tại tòa Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM vào tháng 2/2016.