Qua rà soát, trên địa bàn có 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc và nguy cơ mất an toàn giao thông. Sở Giao thông vận tải đã đề xuất bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ tại 51 vị trí; cải tạo hạ tầng giao thông tại 53 vị trí; huy động lực lượng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm học sinh đến và tan trường tại 48 vị trí. Các cơ quan, đơn vị liên quan hiện đang tập trung xử lý 8 khu vực cổng trường có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng rà soát, kiểm tra tại 110 trường học có ký hợp đồng vận chuyển đưa, đón học sinh với 186 đơn vị kinh doanh vận tải. Trong tổng số phương tiện được kiểm tra là 1.519 xe ô tô, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 41 trường hợp, phạt hơn 182 triệu đồng. Ngoài ra, trong 10 tháng qua, các lực lượng chức năng thuộc Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.374 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ 1.031 xe mô tô vi phạm.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh cũng được thành phố triển khai sâu rộng. Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 chương trình tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và văn hóa giao thông cho trên 22.500 giáo viên, học sinh, phụ huynh các trường học phổ thông; tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền văn hóa giao thông cho gần 6.000 đoàn viên thanh niên, sinh viên trường đại học, cao đẳng tham dự.
Công an thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông trong tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở giáo dục 138 buổi với 133.446 học sinh, 9.701 giáo viên tham gia; tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông cho 79.030 lượt học sinh, sinh viên. Tổ chức ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy cho 27.354 lượt phụ huynh; tổ chức 48 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường học; trao 682 mũ bảo hiểm, 50 áo phao cho học sinh trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) giai đoạn 2021-2025 do Quỹ Bloomberg tài trợ. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao mức độ an toàn giao thông, giảm thiểu tử vong và thương tích liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là với học sinh. Theo đó, dự án hỗ trợ 4 hợp phần chính gồm: Hạ tầng giao thông; cưỡng chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền và truyền thông về an toàn giao thông; dữ liệu và giám sát.
Năm 2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với tư vấn của dự án và các đơn vị liên quan rà soát lựa chọn thực hiện triển khai tại 3 địa điểm có những điều kiện giao thông và hạ tầng khác nhau, gồm: Cụm trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); Cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Trong đó, Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) và Cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai) được thực hiện thí điểm các giải pháp cải thiện an toàn giao thông dưới sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác vì các thành phố lành mạnh - PHC (PHC là mạng lưới toàn cầu có uy tín với 70 thành phố cam kết cứu sống các sinh mạng bằng cách ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm và thương tích) trong khuôn khổ dự án BIGRS.
Nhờ các giải pháp quyết liệt nói trên, trong 10 tháng của năm 2023, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn đã giảm đáng kể. Toàn thành phố xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người có độ tuổi từ 6 -18 tuổi, làm 19 người chết, 59 người bị thương. So sánh cùng kỳ năm 2022 giảm 14 vụ, giảm 10 người chết, giảm 4 người bị thương.