Thiếu tiền mặt để nộp phạt
Thông tin trước đó cho thấy, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, Mã chứng khoán: BHN) cho biết ngày 26/4/2024, Habeco đã nhận được Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục thuế doanh nghiệp lớn – Tổng Cục thuế.
Theo đó, Habeco đã vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế; Khai sai căn cứ tính thuế dẫn đến giảm số thuế GTGT được khấu trừ nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp; Khai sai căn cứ tính thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ hợp pháp.
Habeco phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền với số tiền 1,94 tỷ đồng; Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách Nhà nước số tiền là 13,3 tỷ đồng; Buộc nộp đủ tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước số tiền 4,2 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền Habeco bị phạt, truy thu và tiền chậm nộp tiền thuế là 19,4 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp tiền thuế nêu trên được tính đến hết ngày 3/1/2024. Bên cạnh đó, Habeco buộc phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau số tiền 11,3 triệu đồng.
Các báo cáo về lĩnh vực tài chính cho thấy, tại ngày 31/3/2024, Habeco ghi nhận 540 tỷ đồng Tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 625 tỷ đồng, tương đương 53,6% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tiền mặt của Habeco là rất thấp, chỉ đạt 12,4 tỷ đồng. Con số này tại ngày 31/12/2023 thậm chí còn khiêm tốn hơn, chỉ là 3,4 tỷ đồng. Lượng tiền mặt nói riêng và tiền nói chung tại Habeco sụt giảm mạnh khi Habeco thua lỗ kỷ lục và âm nặng dòng tiền dù doanh thu tăng.
Cụ thể, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 1/2024 của Habeco đạt 1.320 tỷ đồng, tăng 120 tỷ đồng, tương đương 10% so với quý 1/2023. Thế nhưng, công ty lại lỗ 21 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 3,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Habeco ghi nhận mức lỗ theo quý cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Khoản thua lỗ trong quý 1/2024 của Habeco tăng khi các chi phí đều đi lên đáng kể. Chi phí bán hàng tăng 26 tỷ đồng, tương đương 12,7% lên 231 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7 tỷ đồng, tương đương 8,2% lên 92,3 tỷ đồng.
Mặc dù thua lỗ mạnh nhưng trong kỳ, Habeco lại dành tới 779 tỷ đồng chi cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác, tăng mạnh so với con số 590 tỷ đồng hồi cuối quý 1/2023. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Habeco âm nặng dòng tiền. Tại ngày 31/3/20214, Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Habeco là âm 625 tỷ đồng.
Liên tục bị phạt vi phạm hành chính
Có thể thấy đây không phải lần đầu tiên Habeco bị phạt vì vi phạm hành chính. Tại ngày 31/3/2024, Habeco có 27,9 triệu đồng Chi phí phạt vi phạm hành chính, tăng so với 14,4 triệu đồng so với quý 1/2023. Còn trong cả năm 2023, chi phí này là 949 triệu đồng, tăng so với 668 triệu đồng của năm 2022.
Bên cạnh đó, Habeco thường xuyên ghi nhận Nợ phải trả về thuế và các khoản phải nộp lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Hồi cuối quý 1/2024, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Habeco lên đến 212 tỷ đồng, giảm so với 394 tỷ đồng hồi cuối năm 2023. Trong đó, phải trả về thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm tỷ trọng cao nhất, lên đến 78,3% (tương đương 166 tỷ đồng). Đứng sau là thuế giá trị gia tăng (31,7 tỷ đồng), thuế tài nguyên (5,1 tỷ đồng), thuế đất, tiền thuê đất (5 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trước đó, trong năm 2018, Habeco từng bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng nộp ngân sách 1.847 tỷ đồng.
1.847 tỷ đồng bao gồm tăng nộp thuế giá trị gia tăng gần 4,5 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 441 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 381 triệu đồng và các khoản phải nộp khác gần 1.392 tỷ đồng; đồng thời, giảm các khoản phải thu Ngân sách Nhà nước gần 5,8 tỷ đồng.