Thống kê cho thấy, Hải Dương có nhiều Di tích cấp Quốc gia đang bị xuống cấp, cần được tu bổ. Phần lớn những Di tích này đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Các Di tích được xây dựng bằng vật liệu chủ yếu là gỗ. Trải qua thời gian, nhiều hạng mục bên trong đã bị mối, mọt, nhiều chỗ đã mục nát nghiêm trọng.
Tình trạng xuống cấp ở Di tích cấp Quốc gia như: đình Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng), chùa Trăm gian (huyện Nam Sách), chùa Đồng Neo (thành phố Hải Dương), đền Đươi, đình Vô Lượng (huyện Gia Lộc),… Di tích Quốc gia đặc biệt như chùa Giám cũng xuống cấp nghiêm trọng.
Di tích Quốc gia đặc biệt như chùa Giám cũng xuống cấp nghiêm trọng. |
Hiện nay, việc tu sửa các Di tích xuống cấp gặp rất nhiều khó khăn do không có kinh phí. Nhiều địa phương và người dân đã phải sử dụng cột gỗ, thanh sắt, dây thép chằng, chống đỡ các di tích xuống cấp để bảo vệ tránh việc bị đổ, sập vào những ngày mưa gió.
Cùng với đó, theo quy định, việc trùng tu, sửa chữa các Di tích cấp Quốc gia phải giữ lại yếu tố gốc, kiểu dáng kiến trúc truyền thống, khôi phục những yếu tố đã bị mai một. Chính vì vậy, việc trùng tu, tôn tạo các di tích đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nguồn ngân sách khó có thể đáp ứng được.
Ông Vũ Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương) cho biết, với các Di tích Quốc gia, khi một chiếc cột bị mục, một phần mái bị hỏng, phải hạ giải cả mái, tháo dỡ cả hạng mục khác như: rui mè (xà gồ), ngói mới đảm bảo chất lượng công trình. Việc trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia đòi hỏi thợ thi công phải có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ thuật mới bảo tồn được những yếu tố gốc. Do đặc thù như vậy, việc trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp mất nhiều thời gian và công sức.
Di tích Quốc gia đặc biệt như chùa Giám cũng xuống cấp nghiêm trọng. |
Chị Phạm Thị Huê, công chức Thông tin văn hóa, xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương) cho hay, trên địa bàn xã có chùa Đồng Neo là Di tích cấp Quốc gia đã được xây dựng từ hàng trăm năm trước, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng. Đến nay, chùa vẫn chưa được tu bổ và tôn tạo. Chính quyền địa phương, sư trụ trì và người dân phải dùng cây gỗ chằng chống, gia cố và làm biển cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho du khách khi tới tham quan, chiêm bái.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2022 - 2023, toàn tỉnh đã đầu tư trên 261 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã và nguồn xã hội hóa để bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp cho 35 Di tích cấp Quốc gia.
Tuy nhiên, số lượng được trùng tu chỉ là con số ít trong nhiều Di tích Quốc gia đã xuống cấp. Việc tu bổ tôn tạo các Di tích Quốc gia cần sự chung tay của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh để bảo tồn những giá trị văn hóa đã được gìn giữ và lưu truyền từ hàng trăm năm tại các địa phương./.