Công ty cổ phần thép Dana Italy bị phạt 400 triệu đồng, liên quan đến dự án đầu tư dây chuyền luyện thép 200.000 tấn/năm và dây chuyền cán thép 200.000 tấn/năm.
Trong đó, công ty đã thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (70 triệu đồng); không có giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (300 triệu đồng); không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại (30 triệu đồng).
Người dân Đà Nẵng từng nhiều lần dựng lán trại yêu cầu nhà máy dừng hoạt động vì ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Công ty cổ phần thép Dana Australia bị xử phạt 740 triệu đồng, liên quan đến dự án đầu tư nhà máy thép Xuân Hưng. Ngoài ba hành vi và mức phạt tương tự sai phạm của Dana - Italy, công ty này còn bị phạt 340 triệu đồng vì không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
UBND TP Đà Nẵng đã đình chỉ hoạt động hai nhà máy thép trong 6 tháng, yêu cầu hoàn tất việc khắc phục ô nhiễm môi trường; xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện công trình bảo vệ môi trường...
Chính quyền thành phố cho biết, đã căn cứ vào kết quả xác minh và các tài liệu có trong hồ sơ để xử phạt. Nếu hai doanh nghiệp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Phía công ty cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định xử phạt theo quy định pháp luật.
Trước đó ngày 7/10, Thanh tra TP Đà Nẵng đã công bố kết luận, chỉ ra nhiều sai phạm tại hai nhà máy thép liên quan việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý về môi trường. Kết luận cho thấy lãnh đạo thành phố giai đoạn trước đã phá vỡ quy hoạch khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai nhà máy tại cụm công nghiệp phê duyệt quy hoạch năm 2004 không có loại hình sản xuất thép, luyện kim.
Hai nhà máy đã nhiều lần dừng hoạt động do phản ứng của người dân và quyết định từ phía chính quyền.
Hai nhà máy thép Dana Italy và Dana Australia xây dựng tại huyện Hòa Vang hơn 10 năm nay. Khoảng 6 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên sống gần nhà máy bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn đã nhiều lần dựng lán trại bao vây trước cổng hai nhà máy để phản đối, buộc chính quyền nhiều lần tổ chức đối thoại và đưa ra chủ trương di dời người dân, sau đó sẽ di dời nhà máy thép. Tuy nhiên, sau hàng loạt quyết định, chính quyền vẫn lúng túng việc di dời nhà máy thép hay di dời dân.
Tại chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri lần thứ 4" ngày 6/11, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay người dân kêu than về ô nhiễm, còn doanh nghiệp cũng dở khóc dở cười vì phải trả lãi suất ngân hàng và lo cho công nhân. Ông đề nghị chính quyền cần có câu trả lời dứt khoát về việc có di dời nhà máy thép ra khỏi khu dân cư hay không, báo cáo kỳ họp HĐND thành phố vào kỳ họp tháng 12 tới.