Hàng chục hécta rừng ở Đắk Lắk bị chặt phá, sang nhượng trái phép

Hàng chục hécta rừng tự nhiên, rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 29, khu vực giáp danh giữa xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đang bị chặt phá, lấn chiếm sang nhượng trái phép.
Rừng tiểu khu 296, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp bị phá trắng để chiếm đất mặt tiền Quốc lộ 29.
Rừng tiểu khu 296, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp bị phá trắng để chiếm đất mặt tiền Quốc lộ 29.

Rừng, đất rừng bị thâu tóm vào tay những “đầu nậu đất” trước sự bất lực của chủ rừng, chính quyền các địa phương. Chủ đích của việc phá rừng, phân chia đất mặt tiền dọc tuyến quốc lộ này được người dân “bật mí” để “đón đầu” dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 29 nối từ cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk) và cảng Vũng Rô (Phú Yên).

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã về xã Cư M’Lan, ghi nhận tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng ở đây.

Sau gần hai giờ đi xe máy dưới cái nắng khô khốc vùng biên giới Ea Súp, phóng viên đã tìm đến được tiểu khu 296, khu vực giáp danh giữa hai xã Cư M’Lan và Krông Na và “mục sở thị” tình trạng rừng bị tàn phá, đất rừng bị lấn ở đây.

Không cần mất công đi sâu vào rừng, chỉ đứng ngay Quốc lộ 29, khu vực khoảnh 4, tiểu khu 296 xã Cư M’Lan, phóng viên dễ dàng quan sát nhiều vạt rừng tự nhiên chạy dài dọc quốc lộ này đã bị đốn hạ bằng cưa xăng. Hàng ngàn cây gỗ dầu, cà chít, gỗ tạp, từ nhóm IV đến nhóm VII có đường kính 20-40cm bị cưa hạ nằm la liệt, một số khoảnh rừng có gỗ đã được vận chuyển đi, số còn lại bị đốt cháy nham nhở. Vị trí rừng vừa bị triệt hạ có tổng diện tích hơn 11 héc ta thuộc khoảnh 4, tiểu khu 296, xã Cư M’Lan giáp với tiểu khu 444, xã Krông Na. Diện tích rừng này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý, bảo vệ.

Men theo Quốc lộ 29 khoảng 1km, chúng tôi nhận thấy dọc hai bên đường rừng đã biến mất hoàn toàn, vô số các lối mòn được mở ngang, dọc. Nhiều diện tích đất đã được san, ủi bằng phẳng, cắm mốc phân chia để trồng cây ăn quả, nhiều ngôi nhà đã mọc lên để khẳng định chủ quyền đất dọc hành lang quốc lộ.

Hàng chục hécta rừng ở Đắk Lắk bị chặt phá, sang nhượng trái phép ảnh 1

Nhà ở của người dân xây dựng trái phép dọc Quốc lộ 29 tiểu khu 296, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk trước sự bất lực của chủ rừng.

Tìm đến nhà bà Trần Huyền Trang, tiểu khu 296, Quốc lộ 29, phóng viên nhận thấy trên khoảnh đất 2.000m2 của bà Trang đã xây dựng cụm ba ngôi nhà gỗ, mái lợp tôn gồm nhà ở, nhà có ghi bảng hiệu lớp học tình thương, nhà làm đại lý bán vật tư nông nghiệp. Bà Trang cho biết, diện tích đất trên được bà mua từ một người đàn ông dân tộc Dao với giá gần 200 triệu đồng. Khi phóng viên đề cập muốn xem giấy tờ mua đất, bà Trang quả quyết đất gia đình mua là đất các hộ dân khai hoang được, có nguồn gốc, có giấy tờ viết tay. Tuy nhiên, bà Trang nói giấy tờ trên bà đã gửi ở nhà bố mẹ nên không đưa ra cho phóng viên xem được.

Một số hộ dân khác ở xã Cư M’Lan cho biết, thời gian gần đây một nhóm người đến chặt cây rừng dọc quốc lộ, dùng máy móc san ủi bằng phẳng, phân lô rao bán cho người dân, nhưng không thấy ai kiểm tra. Theo các hộ dân, việc mua bán, sang nhượng đất theo kiểu “thỏa thuận” như thế này giúp các đầu nậu “đút túi” một khoản tiền lớn từ đất rừng; các hộ dân bỏ tiền mua đất sẽ được cất nhà mặt tiền quốc lộ để chờ dự án, nếu không may bị nhà nước thu hồi đất vẫn được đền cây trồng, hoa màu, nhà ở của người dân đã gây dựng.

Ông Nguyễn Văn Quyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk xác nhận: “Tình trạng phá rừng lấn chiếm đất tiểu khu 296, xã Cư M’Lan diễn ra một thời gian dài, các đối tượng lợi dụng phá rừng vào ban đêm, san ủi mặt bằng, dựng nhà, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị mỏng nên không thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng trên”.

Theo ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, trong thời gian qua, tình trạng dân di cư tự do đến những khu vực rừng của địa phương để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra rất phức tạp. Riêng dọc tuyến Quốc lộ 29 đi qua địa bàn huyện, nạn phá rừng, chiếm đất không chỉ diễn ra trên lâm phần do Công ty Trách nhiệm Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk mà còn xảy ra trên những diện tích rừng do xã Cư M’Lan, Ea Bung quản lý. Cùng với đó, tình trạng người dân lén lút mua bán, sang nhượng đất rừng trái pháp luật cũng ngấm ngầm diễn ra, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xử lý.

Không chỉ phá rừng, lấn chiếm đất ở huyện Ea Súp, nhiều diện tích rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 444 và khoảnh 3 tiểu khu 453, xã Krông Na, dọc hành lang Quốc lộ 29, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cũng vừa bị triệt hạ. Ông Lê Danh Khởi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cho biết, đơn vị đang quản lý, bảo vệ 10.200 ha rừng, trong đó có 14 ha rừng dọc theo Quốc lộ 29. Từ ngày 6 – 23/2, có gần 3 hécta rừng dọc Quốc lộ của đơn vị bị chặt phá trái phép. Rừng ở đây là rừng nghèo kiệt, chủ yếu là gỗ dầu, cá chít và gỗ tạp, các đối tượng phá rừng không nhằm mục đích lấy gỗ mà khả năng là để chiếm đất trái pháp luật, ông Khởi nhận định.

Hàng chục hécta rừng ở Đắk Lắk bị chặt phá, sang nhượng trái phép ảnh 2

Nhiều cây rừng bị đốn hạ để lấn chiếm đất ở tiểu khu 453, Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Theo bà H’Lan Niê Buôn Dap, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn, việc dân di cư tự do sinh sống tại các tiểu khu 295 và 296, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp khu vực giáp ranh với rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn đã tạo ra những áp lực rất lớn cho việc quản lý bảo vệ rừng ở đây. Các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất mặt tiền dọc Quốc lộ 29 khu vực giáp danh giữa hai huyện gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng. Trước tình trạng này, Hạt Kiểm lâm đã cử 3 cán bộ để hỗ trợ Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn, tăng cường công quản lý bảo vệ rừng. Cùng với đó, Hạt và chủ rừng đã hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan công an huyện để điều tra làm rõ những vụ phá rừng ở khu vực này trong thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk - Mai Văn Kiện cho biết, sau khi tiếp nhận báo cáo các vụ việc phá rừng ở những khu vực trên, Chi cục đã có văn bản yêu cầu Hạt Kiểm lâm hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp phối hợp cùng với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát những điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, khai thác, chế biến, vận chuyển trái pháp luật. Đồng thời, Chi cục báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, xử lý vụ việc.

Tìm hiểu về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 29, phóng viên được biết, ngày 9/1/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 234/UBND-TH, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải về việc thực hiện Công văn số 69/BKHĐT-KCHTĐT ngày 4/1/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí vốn đầu tư xây dựng Quốc lộ 29 nối hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk. Tuyến quốc lộ này đi qua hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp chủ yếu là rừng và đất rừng của các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phộ quản lý.

Việc người dân ngang nhiên chặt phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng, xây công trình nhà ở trái phép trên đất rừng dọc Quốc lộ 29 để trục lợi bất hợp pháp, diễn ra một thời gian dài nhưng không có cơ quan, đơn vị nào phát hiện, kiểm tra, xử lý; nguy cơ rừng tiếp tục bị chảy máu, đất rừng bị mua bán, sang nhượng trái pháp luật vẫn tiếp diễn, gây nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội khi nhà nước đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ này. Các ngành chức năng Đắk Lắk cần vào cuộc quyết liệt để chặn đứng tình trạng này.

Theo TTXVN
Các đại biểu tặng hoa tri ân ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê
Trưng bày cố định Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-2024), sáng ngày 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của danh họa này.
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.