Trang Digital Trends đưa tin các nhà nghiên cứu tại cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện ra KELT-9b, một hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời có nhiệt độ rất cao. Theo NASA, hành tinh này nóng đến mức có thể xé tan các phân tử cấu tạo nên bầu khí quyển của nó.
Những hành tinh như KELT-9b được gọi với cái tên khác là "Mộc tinh nóng". KELT-9b có khối lượng gấp 3 lần so với Mộc tinh. Nó có nhiệt độ bề mặt lên đến 4.300 độ C và cũng là hành tinh nóng nhất từng được phát hiện cho đến nay. Chính nhiệt độ cực cao này đã dẫn đến hiện tượng phân hủy các phân tử hydro trong khí quyển của nó.
Hình dựng minh họa bầu khí quyển của KELT-9b bị phân hủy cho nhiệt độ cao. - Ảnh: NASA. |
Lúc này, các phân tử hydro bị phân tách và chảy về mặt còn lại của hành tinh, tạo ra một vệt sáng kỳ dị. Khi các phân tử này đến mặt bên kia của hành tinh, chúng sẽ được cải tổ do nhiệt lượng giảm và sẽ tiếp tục bị phân tách sau đó.
Để tìm kiếm các ngoại hành tinh tương tự, các nhà khoa học cần sử dụng công cụ có độ chính xác cao như kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA. Chúng có thể phát hiện biến đổi nhiệt do các ngoại hành tinh tỏa ra thông qua bước sóng hồng ngoại.
"Kiểu hành tinh này có nhiệt độ rất khắc nghiệt. Nó tách biệt so với nhiều hành tinh khác ngoài Hệ Mặt Trời. Trên thực tế, có một số 'sao Mộc nóng' hoặc 'sao Mộc cực nóng' vẫn có thể tạo ra hiệu ứng trên dù chúng có mức nhiệt không cao như KELT-9b", Megan Mansfield, một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.