Trang CNBC đưa tin khi đang là một học sinh tại trường trung học Scarsdale tại New York, Wolf Cukier đã có cơ hội thực tập 2 tháng tại Trung tâm Không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, Mỹ.
Nhiệm vụ đầu tiên của cậu tại đây là kiểm tra độ sáng các ngôi sao được chụp bởi hệ thống kính viễn vọng không gian Explorers (TESS) của NASA. Sau 3 ngày thực tập, Cukier đã phát hiện ra một hành tinh mới với tên gọi "TOI 1338 b".
Hành tinh TOI 1338 b được Cukier phát hiện. - Ảnh: NASA. |
"Sau khoảng 3 ngày thực tập, tôi đã tìm thấy TOI 1338. Ban đầu, tôi nghĩ đó là hiện tượng nhật thực trong một hệ sao đôi. Tuy nhiên, tôi đã sai. Đó là một hành tinh", Cukier nói.
Theo NASA, TOI 1338 b có kích thước lớn hơn 6,9 lần so với Trái Đất và cách chúng ta khoảng 1.300 năm ánh sáng. Nó cũng là hành tinh đầu tiên quay quanh 2 ngôi sao được ghi lại bởi hệ thống TESS. Chu kỳ quay quanh nhau của 2 ngôi sao này dài khoảng 15 ngày.
NASA cho biết thêm các hành tinh như TOI 1338 b rất khó phát hiện vì hệ thống có thể nhầm lẫn chúng với hiện tượng nhật thực. Đây là lý do họ cần sự giúp đỡ từ các thực tập sinh như Cukier.
"Các thuật toán sẽ phải vật lộn với những loại tín hiệu dạng này. Trong khi đó, mắt người lại rất giỏi trong việc tìm kiếm các mẫu dữ liệu đó", Veselin Kostov, một nhà khoa học tại Trung tâm Không gian Goddard của NASA cho biết.