Hội thảo đã thảo luận về các mối đe dọa trên không gian mạng đối với phụ nữ và trẻ em gái và các phương pháp cụ thể nhằm trang bị cho họ kiến thức và khả năng tự vệ cần thiết để ứng phó kịp thời với các mối đe dọa trên không gian mạng một cách hiệu quả.
Hội thảo này cũng đánh dấu sự khởi đầu của việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia (NAP) đầu tiên của Việt Nam về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS). Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà NAP đưa ra là “Nâng cao hiệu quả phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có cả bạo lực dựa trên công nghệ (technology-facilitated violence), đáp ứng các nhu cầu cụ thể và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh và trong phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và ứng phó với các sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống". Hội thảo đã đi tiên phong trong việc thực hiện hoạt động số II.2.e của NAP: "Nâng cao nhận thức và năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc ứng phó với các thách thức trên không gian mạng”
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Ninh Bình, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an; đại diện Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội Phụ nữ Bộ Công an, Hội LHPN 24 tỉnh, thành phố phía Bắc và đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Ninh Bình.
Bà Gaelle Demolis, Chuyên gia Chương trình và Chính sách Quản trị, Hòa bình và An ninh, Văn phòng UN Women khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại hội thảo. |
Đáng chú ý, các chuyên gia của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại diện Hội Phụ nữ Bộ Công an và UN Women cũng đã tham gia tọa đàm, đối thoại với cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, tỉnh Ninh Bình, thúc đẩy trao đổi quan điểm phản biện về những vấn đề cấp bách này.
“Những thách thức đang ngày càng gia tăng trong quá trình hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ hiện nay. Tội phạm mạng, tấn công mạng, quấy rối và bạo lực trên mạng đã và đang gây ra những mối đe dọa thường xuyên đối với các cá nhân, tổ chức và thậm chí cả tới nền hòa bình và sự phát triển ổn định của các quốc gia. Nhu cầu bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, trước những vấn đề an ninh đó cũng ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi khắt khe hơn”, “Thông qua UN Women, Chính phủ Canada, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Australia và Hàn Quốc đã hỗ trợ hội thảo” - Bà Gaelle Demolis, Chuyên gia Chương trình và Chính sách Quản trị, Hòa bình và An ninh, Văn phòng UN Women khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đánh giá: Hội thảo là một trong những hành động thiết thực tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về triển khai Chiến dịch “Tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, người dân đấu tranh đẩy lùi các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Hội thảo tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại giữa các lãnh đạo, chuyên gia an ninh mạng, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo, cán bộ Hội Phụ nữ các cấp và các tuyên truyền viên, từ đó, không chỉ nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ, trẻ em gái ứng phó với các thách thức trên không gian mạng mà còn xây dựng và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt trong hỗ trợ phụ nữ ứng phó với các thách thức trên không gian mạng.
Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị Bộ Công an, Trưởng ban Phụ nữ Công an nhân dân tin tưởng, với sự tuyên truyền, hướng dẫn thực hành của các tuyên truyền viên hội LHPN Việt Nam các cấp, ý nghĩa, hiệu quả của Hội thảo này còn tiếp tục được kéo dài và lan tỏa rộng rãi, nhất là trong nhận thức của các em học sinh.