Hashima nghĩa là “đảo biên giới“ vì nằm ở tận cùng tầm nhìn tính từ đảo chính, nhưng người Nhật kính cẩn gọi tên hòn đảo là Gunkanjima - đảo chiến hạm. Trông từ xa đây là hòn đảo có diện tích 6,3 ha với bờ tường bê tông bao quanh và các nhà cao tầng như tháp ống khói của một chiếc tàu thủy đang lướt sóng ra biển Hoa Đông.
Đảo Hashima cách Nagasaki 19km - nhìn từ xa hòn đảo giống như một chiếc chiến hạm.
Đảo Gunkanjima trước đây là tài sản của tập đoàn Misubishi. Đảo được thành lập năm 1887, là mỏ khai thác một túi than dưới đáy biển ngoài khơi Nagasaki.
Vào thời điểm đó, hòn đảo là biểu tượng của cuộc công nghiệp hóa thần kỳ tại Nhật Bản. Chỉ với một diện tích rộng 6,3 hectare, Gunkanjima đã có đến 71 tòa nhà, cao ốc, dây chuyền mỏ than. Thời đỉnh cao có lúc "tàu chiến" chứa đến hơn 5.200 người dân sinh sống lâu dài như một thành phố thực sự.
Băng tải chuyền than vẫn còn nguyên vẹn, đã có 15 triệu tấn than được khai thác ở nơi đây.
Anh Mizuta Yoshinori, một nhân viên văn phòng phát triển du lịch và văn hóa thành phố Nagasaki kể: "Nhưng từ năm 1974, người ta bắt đầu rời đảo về đất liền vì không còn than nữa. Họ quay về bờ sống, và hòn đảo được tập đoàn Misubishi trao lại cho thành phố Nagasaki." Kể từ đó hòn đâỏ được biết đến với cái tên hòn đảo ma vì mặc dù mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn nhưng không ai còn sống ở đây nữa.
Trường học, sân chơi, rạp phim, bệnh viện, quán hàng... ở đây cái gì cũng đủ, kể cả chùa chiền, nhà thờ cho người theo Thiên Chúa giáo và một nhà thổ. Những năm đầu tiên ở đây khan nước, hàng tuần đều phải chở nước ngọt bằng tàu thủy từ đất liền ra. Từ năm 1957 trở đi một đường ống mấy nghìn mét cung cấp nước ngọt cho dân cư trên đảo.
Các tòa nhà như trường học, bệnh viện vẫn còn nguyên vẹn.
Thiếu đất trồng trọt, dân Hashima trồng rau củ trên sân thượng để cải thiện. Cái duy nhất mà họ thiếu là nghĩa địa: người chết ở đây được chôn trong hầm lò đã hết than hoặc thả xuống biển.
Ở mật độ khủng khiếp như vậy, hầu như không có cuộc sống riêng tư. Các tòa nhà được nối liền bằng một hệ thống hành lang và cầu thang hẹp. Vườn trẻ, chợ búa và bể bơi đều bị đưa hết lên mái. Mật độ dân số Hashima đông gấp 6 lần Tokyo hôm nay. Doutoku Sakamoto nhìn lại với ánh mắt lãng mạn hơn: “Chúng tôi là một cộng đồng chính cống, mọi người giúp nhau và sống vì nhau. Những đức tính đó làm gì còn trong xã hội Nhật Bản hôm nay...“.
Hashima trở thành hòn đảo "ma" khi đã không còn ai sống ở đây.
Từ một khu công nghiệp hóa cao, hôm nay Hashima chỉ còn là nhân chứng câm lặng cho một trang sử của kinh tế Nhật Bản thần kỳ.
Mấy thập niên sau, một số đơn vị du lịch lại nghĩ ra cách kiếm tiền ở Hashima. Họ chở khách du lịch với giá 40USD ra thăm đảo ma. Cho đến nay đây vẫn là một địa điểm tham quan thú vị với hình ảnh những tòa nhà cổ xưa rêu phong giữa biển khơi.
Tháng Bảy 2015, bất ngờ Gunkanjima lọt vào danh sách di sản thế giới của UNESCO. Hòn đảo đã gặp phải nhiều phê phán khi nộp đơn vào danh sách di sản, vì nơi này được cho là đã có thời sử dụng lao động cưỡng bức trong Chiến tranh thế giới II. Mặc dù vậy đây vẫn là một địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử và nét độc đáo của một nước Nhật thuở xưa.
Mạnh Kiên