HĐND thành phố Hà Nội xem xét nhiều nội dung quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Kỳ thứ 12 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội bàn nhiều vấn đề quan trọng như điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, điều chỉnh quy hoạch thủ đô, lập quận Đông Anh, miễn giảm phí và lệ phí ở một số lĩnh vực.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 3/7, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã họp Kỳ thứ 12.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; đại diện các cơ quan hữu quan cùng dự.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng và một số lãnh đạo thành phố Hà Nội đã dự Kỳ họp.

Khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết Kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân thành phố là kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 để xem xét tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2023 và nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Với tinh thần lan tỏa sự đổi mới, thiết thực, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội, trên cơ sở triển khai Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp giai đoạn 2021-2026, Kỳ họp dự kiến tổ chức trong 4 ngày để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 Nghị quyết.

Nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch năm 2023, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024; Phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương các dự án đầu tư công; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2030; “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065;" Đề án thành lập quận Đông Anh; miễn giảm phí, lệ phí; các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá thể thao và các nội dung quan trọng khác.

Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng và cũng là kỳ thường lệ đầu tiên thực hiện theo Nội quy kỳ họp mới khóa 16 đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2022. Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục cải tiến nội dung, chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, bố trí, dành thời gian thảo luận tại các tổ và tại hội trường.

Kỳ họp dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các vị đại biểu để trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng trong chương trình của kỳ họp.

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn được theo hai nhóm vấn đề. Cụ thể là tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên Ủy ban Nhân dân thành phố và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết đã được Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn nhóm vấn đề công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thuộc thành phố.

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ năm 2023, là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, “năm bản lề” tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025.

Trong những tháng đầu năm, mặc dù Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng Thành ủy và các cấp ủy Đảng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng toàn diện, khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Sáu tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,97% so cùng kỳ 2022 (cả nước tăng 3,72%); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 220.100 tỷ đồng (tăng 22,9%); khách du lịch đến Hà Nội gấp 2,5 lần...

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, kỷ cương hành chính được củng cố, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô; an sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

HĐND thành phố Hà Nội xem xét nhiều nội dung quan trọng ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn nêu rõ còn một số tồn tại, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ và mục tiêu đề ra. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Cải cách hành chính được cải thiện tăng 7 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố nhưng các Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm.

Bên cạnh đó, một số vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị chưa được khắc phục triệt để như: Ùn tắc giao thông, úng ngập, xử lý rác thải, nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững. Tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng. Công tác quản lý tài sản công; việc triển khai các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp vẫn còn bất cập, chưa đồng bộ. Kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, tạo điểm nghẽn, ách tắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của thành phố, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 và cả nhiệm kỳ, nhất là những chỉ tiêu, nhiệm vụ khó hoàn thành.

Nhấn mạnh tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng, là cơ chế chính sách để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, Bí thư Thành ủy tin tưởng các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục phát huy cao nhất những kết quả đã đạt được của Hội đồng Nhân dân thành phố, tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, tập trung thảo luận, tích cực tham gia chất vấn, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ để thành phố tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Thủ đô và cả nước.

Theo báo cáo do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn trình bày, 6 tháng cuối năm, thành phố kiên định mục tiêu bảo đảm các cân đối của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo nhằm xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh kịp thời thích ứng với tình hình; tiếp tục củng cố và phát huy cao nhất các động lực tăng trưởng của xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục xu hướng tăng chậm lại của sản xuất công nghiệp, nâng cao sức mua hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.