Đây là lý do tại sao kể từ năm 2022, các công nghệ an toàn mới sẽ bắt buộc được áp dụng trên các phương tiện mới của châu Âu, bao gồm hệ thống "cảnh báo về tình trạng buồn ngủ và mất tập trung của tài xế".
Bosch, công ty kỹ thuật và công nghệ Đức, là một trong những nhà cung cấp chính của công nghệ này, thông báo vào tháng 12 rằng họ đã phát triển một hệ thống giám sát giúp phát hiện các tài xế buồn ngủ và mất tập trung.
Công nghệ sẽ được tích hợp trên những chiếc xe mới từ năm 2022, sử dụng máy ảnh và trí tuệ nhân tạo để phát hiện khi mí mắt của người lái xe khép lại hoặc khi họ bị phân tâm bởi điện thoại hoặc các yếu tố khác.
Thuật toán được đào tạo bằng cách sử dụng kịch bản các tình huống lái xe thực tế nhằm giúp trí tuệ nhân tạo đưa ra phán đoán về sự mệt mỏi của tài xế tùy thuộc vào vị trí mí mắt và tốc độ chớp mắt của họ.
"Dựa trên tất cả các thông tin này, nó có thể nhận ra nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì tần suất mở và đóng mí mắt của bạn chậm hơn rất nhiều", Annett Fischer, phát ngôn viên của hệ thống giám sát của Bosch, cho biết.
Hệ thống sau đó có thể cảnh báo các tài xế, đề nghị nghỉ nếu họ cảm thấy mệt mỏi, hoặc thậm chí phản ứng bằng cách giảm tốc độ của xe.
Hình thức cảnh báo - cho dù đó là âm thanh, ánh sáng, giảm tốc độ hay thậm chí là rung vô lăng sẽ phụ thuộc vào mong muốn của nhà sản xuất ô tô, vì họ sẽ điều chỉnh hệ thống theo thương hiệu và người tiêu dùng của họ, Fischer giải thích.
Hơn một triệu người tử vong trên toàn cầu mỗi năm do tai nạn giao thông, theo báo cáo toàn cầu năm 2018 của Tổ chức Y tế Thế giới về an toàn đường bộ. Sử dụng điện thoại trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gặp tai nạn gấp 4 lần, trong khi nhắn tin làm tăng rủi ro khoảng 23 lần.
Mệt mỏi là một vấn đề đặc biệt đối với những người lái xe đường dài, theo ông Joshua Harris, giám đốc chiến dịch Tổ chức từ thiện an toàn đường bộ của Anh.
"Những người lái xe đường dài thường ngồi sau tay lái trong thời gian dài và có thể vận hành các phương tiện hạng nặng, điều này nhiều khả năng gây ra tai nạn thảm khốc. Công nghệ có một vai trò to lớn trong việc đạt giảm thiểu số ca tử vong và chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ mới giúp cải thiện sự an toàn, như hệ thống phát hiện buồn ngủ", ông Harris nói.
Bosch không phải là nhà phát triển đầu tiên trong lĩnh vực này. Công ty Seeing Machines có trụ sở tại Australia đã ra mắt công nghệ giám sát lái xe trong dòng xe Cadillac CT6 2018 và công ty Smart Eye Cars Solutions của Thụy Điển đã phát triển một hệ thống cho Geely, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc.
Một mối quan tâm khác của người sử dụng là tính riêng tư của hệ thống giám sát do trí tuệ nhân tạp sẽ thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân của người lái xe và hành khách.
Theo Bosch, dữ liệu được thu thập bởi hệ thống của họ sẽ chỉ được đánh giá bằng phần mềm trong chính chiếc xe và sẽ không được lưu cũng như không được chuyển cho Bosch hoặc bên thứ ba.
Fischer cho biết thêm, nếu nhà sản xuất ô tô muốn lưu trữ bất kỳ loại dữ liệu nào từ hệ thống giám sát, họ sẽ phải nhận được sự đồng ý từ phía khách hàng trước.