Một nghiên cứu về việc sử dụng cần sa, được công bố trong Hội nghị Khoa học thường niên của Hiệp hội Tim mạch Mỹ tại New Orleans, đã chỉ ra tác hại của nó với cơ tim và sức khỏe tim mạch nói chung.
Các nhà nghiên cứu tại mạng lưới Bệnh viện Đại học St.Luke đã tập trung nghiên cứu vào bệnh nhân mắc chứng căng cơ tim và nhận ra rằng cơ yếu làm cản trở quá trình co bóp. Những bệnh nhân này từng trải qua cơn đau tim, có nguy cơ đau ngực cấp, khó thở và chóng mặt.
Thông thường, nguyên nhân mắc bệnh là chứng căng cơ cấp tính, trầm cảm, hay sốc tinh thần. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Amitoj Singh, ít nhất hai trường hợp mắc bệnh do sử dụng cần sa.
Ngày nay, việc mua cần sa để sử dụng vào mục đích giải trí rất dễ dàng. Điều này khiến cộng đồng y học quan ngại về việc nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng trong giới trẻ.
Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của 33.343 bệnh nhân căng cơ tim điều trị nội trú từ 2003 đến 2011. Dữ liệu này được lấy trên toàn quốc, mọi giới tính và nhiều độ tuổi khác nhau.
Sau đó, các nhà nghiên cứu chia dữ liệu này thành 2 nhóm: sử dụng cần sa và không sử dụng. Kết quả cho thấy người hút cần sa chủ yếu là thanh niên nam. Đây là bất ngờ với Singh bởi bệnh cơ tim thường xảy ra với phụ nữ lớn tuổi.
Người sử dụng cần sa xuất hiện ít triệu chứng của bệnh cơ tim như huyết áp cao, tiểu đường, đau nửa đầu, phù tuyến giáp. Trong khi đó, nhóm không dùng có nhiều dấu hiệu hơn.
Tuy nhiên, Hội tim mạch Mỹ cho biết: “Mặc dù trẻ tuổi và ít dấu hiệu, người hút cần có thể phải đối mặt với việc tim ngừng đập và sử dụng máy trợ tim”.
Ngoài những nguyên nhân thông thường, các nhà nghiên cứu cũng tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa ma túy và bệnh cơ tim. “Người hút cần có khả năng mắc chứng căng cơ tim cao hơn gấp 2 lần”, ông Singh khẳng định.
Thừa nhận về một số lợi ích trong y học của cần sa, đặc biệt cho phương pháp hóa trị, nhóm nghiên cứu vẫn nhấn mạnh đến tác hại của việc sử dụng cần sa vào mục đích giải trí bởi chúng có chứa hóa chất gây loạn thần.