Chiếc thủy phi cơ Catalina PBY-5 của hải quân Mỹ đã bị bắn hạ chỉ vài phút sau cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Nhật Bản tại Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941.
Hình ảnh xác máy bay Catalina PBY-5.
Ngay trước khi ném bom vào căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng, máy bay Nhật đã thả bom tại trạm không lực hải quân trên bờ biển phía đông của Oahu. Chiếc máy bay trong bức ảnh trên là một trong số 27 chiếc máy bay Catalina PBY bị phá hủy trong cuộc tấn công sơ bộ này.
Các nhà khảo cổ và những người đam mê lịch sử trước đây nhiều lần muốn chụp ảnh chiếc máy bay này. Vào năm 1994, một đội lặn đã lặn xuống đáy vịnh chụp hình xác máy bay nhưng không thành do không đủ điều kiện ánh sáng.
Gần đây hơn vào năm 2008, nhóm lặn thể thao Hawaii Underwater Explorers cũng muốn chụp được hình ảnh của máy bay nhưng những nỗ lực của họ cũng không được đáp trả xứng đáng do vùng nước đục che khuất tầm nhìn.
Cuối cùng, vào tháng 6 vừa qua, một nhóm sinh viên của Đại học Hawaii đã công bố những hình ảnh rõ ràng về xác máy bay Catalina PBY-5. Nhóm này cũng thực hiện một cuộc khảo sát khảo cổ với chiếc máy bay này cùng môi trường xung quanh nó với sự trợ giúp của Hans Van Tilburg, một nhà khảo cổ hàng hải và Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Xác của chiếc máy bay này nằm ở dưới đáy vịnh Kaneohe ở độ sâu khoảng 9m.
“Những hình ảnh mới này nói lên câu chuyện của một nạn nhân bị quên lãng trong cuộc tấn công”, Van Tilburg cho biết. “Chiếc máy bay PBY bị chìm là một lời nhắc nhở về “ngày ô nhục”, cũng như các chiến hạm USS Arizona và USS Utah. Chúng đều là những nạn nhân trực tiếp của trận chiến này”.
Số hiệu và các thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay này vẫn chưa được xác định, Van Tilburg cho biết, có thể chiếc máy bay đã bị phá hủy khi phi công vừa cất cánh.
USS Arizona và USS Utah là 2 trong số 5 chiến hạm Mỹ bị đắm trong trận Trân Châu Cảng. Hơn 2.000 người đã tử trận và hơn 1.000 người khác bị thương trong cuộc chiến này.
Những chiếc thủy phi cơ bị phá hủy là một tổn thất nặng nề cho phía Mỹ, bởi vì nếu không có các máy bay ném bom tầm xa này, phi công Mỹ không thể truy đuổi đối phương hoặc tấn công trả đũa các tàu sân bay của Nhật.
Sau cuộc tấn công của Nhật, chỉ có 11 chiếc Catalina PBY còn nguyên vẹn. Những máy bay này tiếp tục theo dõi các hạm đội của Nhật Bản nhưng không phản công, Bảo tàng Hàng không tại Oahu cho biết.
Bà June Cleghorn, nhà khảo cổ tại Hawaii cho biết những hình ảnh mới về chiếc thủy phi cơ này sẽ tiết lộ thêm những thông tin lý giải cách thức tấn công của Nhật đối với các máy bay và thành viên phi hành đoàn.
Các nhà khảo cổ sẽ khó có thể biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay này bởi vì họ không được phép di chuyển nó. Một đạo luật năm 2004 của Mỹ nghiêm cấm việc can thiệp vào các tàu quân sự bị đắm của Mỹ hoặc các tàu và máy bay nước ngoài nằm ở vùng biển của Mỹ.
Danh Tuyên (theo Live Science)