Quang cảnh Hồ Gươm trong một bưu thiếp thời thuộc địa. Từ thời thuộc địa, khu vực quanh bờ hồ đã được quy hoạch thành công viên với các con đường uốn lượn.
Cạnh bờ Đông Nam của hồ Gươm từng có chùa Báo Ân, một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của Hà Nội xưa. Chùa khánh thành vào khoảng năm 1842, mặt trước quay ra sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ.
Phía sau chùa Báo Ân có tháp Hòa Phong, ngày nay là dấu tích duy nhất còn sót lại vì vào năm 1888 người Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện.
Tháp Hòa Phong và tòa nhà bưu điện cũ bên bờ hồ Gươm năm 1906.
Vào năm 1890, trên nóc tháp Rùa của Hồ Gươm xuất hiện một bức tượng Nữ thần Tự Do. Trước đó, bức tượng này được đặt ở vườn hoa trước cửa nhà Ngân hàng Đông Dương (tức vườn hoa Chí Linh, nơi đặt tượng vua Lý Thái Tổ bây giờ).
Thập niên 1870-1880, cầu Thê Húc đã có lúc trông "tạm bợ" như thế này.
Cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn khoảng năm 1901-1903. Lúc này, cây cầu và cổng đền đã được làm lại khang trang.
Diện mạo cầu Thê Húc năm 1945. So với ngày nay, cây cầu khá thấp và kết cấu đơn giản hơn.
Đường xe điện chạy ven bờ Hồ Gươm, đầu thế kỷ 20.
Bến xe điện Bờ Hồ năm 1952. Xe điện từng là một hình ảnh đặc trưng trong cuộc sống ở Thủ đô. Đến đầu thập niên 1990, loại hình giao thông này đã bị loại bỏ hoàn toàn.
Đầu thế kỷ 20, lòng hồ vẫn là chốn mưu sinh của một số ngư dân Hà Nội.
Trong nhiều thập niên, từng có một chợ hoa họp thường xuyên bên bờ Hồ Gươm.
Bờ Hồ Gươm năm 1965 có nhiều hầm tránh bom, do đây là giai đoạn không quân Mỹ ráo riết tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Cầu Thê Húc và bờ hồ Hoàn Kiếm năm 1975. Vào lúc này người dân được phép chèo thuyền dạo chơi dưới hồ.
Trung tâm Hà Nội năm 1989 nhìn từ trên cao, với hồ Hoàn Kiếm ở góc trên bên phải. Bên trái là đường Hàng Ngang – Hàng Đào, bên phải là Lương Văn Can. Giai đoạn này quanh hồ chưa có bóng dáng các tòa nhà cao tầng.
Bờ Hồ Gươm năm 1992. Lúc này, sát mép bờ hồ vẫn là các thảm cỏ xanh, chưa phải là đường lát gạch như ngày nay.
Theo Kiến thức