Vòng loại World Cup là nỗi ám ảnh với bóng đá Việt Nam. Tuyển Việt Nam tham gia vòng loại sân chơi danh giá nhất thế giới từ năm 1994. Sau 7 kỳ tham dự, thành tích của ĐTQG khiến khán giả buồn nhiều hơn vui.
Vòng loại năm 1994, tuyển Việt Nam cùng bảng với Triều Tiên, Qatar, Singapore và Indonesia - đều là những đối thủ yếu hơn hoặc vừa sức của thầy trò HLV Park Hang Seo hiện tại. Tuy nhiên, thế hệ tiền bối của Quang Hải, Công Phượng thua 7/8 trận chung cuộc ở vòng loại, trong đó có những thất bại nặng nề 0-3 trước Triều Tiên hay 0-4 trước Qatar.
Chiến thắng duy nhất của tuyển Việt Nam đến trước Indonesia (thắng 1-0). Chung cuộc, đội bóng có biệt danh "những ngôi sao vàng" ghi 4 bàn, thủng lưới 18 lần, xếp cuối bảng với 3 điểm.
Vòng loại năm 1998, tuyển Việt Nam cùng bảng Trung Quốc, Tajikistan và Turkmenistan. Thành tích còn tồi tệ hơn nữa khi ĐTQG thua cả 6 trận, ghi 2 bàn, thủng lưới 21 lần, xếp cuối bảng với 0 điểm. Tuyển Việt Nam thua Turkmenistan 0-4, thua Tajikistan 0-4 (2 trận) và bất lực trong việc kiếm điểm trước Trung Quốc. Đây cũng là lần duy nhất trong lịch sử tuyển Việt Nam thua 6 trận khi dự vòng đấu bảng một kỳ vòng loại World Cup.
Vòng loại năm 2002, tuyển Việt Nam cùng bảng với Ả Rập Xê Út, Mông Cổ và Bangladesh. Đây là kỳ vòng loại mà tuyển Việt Nam chơi hay nhất với 3 thắng, 1 hoà, 2 thua, giành 10 điểm và giữ ngôi nhì bảng. Dù vậy, chỉ có đội nhất bảng mới lọt vào vòng loại cuối cùng (thay cho thể thức 8 đội nhất + 4 đội nhì), nên tuyển Việt Nam ngậm ngùi dừng bước.
Vòng loại năm 2006, tuyển Việt Nam cùng bảng với Hàn Quốc, Lebanon và Maldives. Thành tích không khả quan với 1 thắng, 1 hoà, 4 thua, đứng vị trí thứ 3. Tuyển Việt Nam thắng đối thủ yếu nhất là Maldives 4-0 trong trận lượt đi và thua 0-3 lượt về, dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của đội bóng ở sân chơi lớn.
Vòng loại năm 2010, tuyển Việt Nam có thành tích tệ nhất lịch sử khi... thua ngay ở vòng loại đầu tiên. Công Vinh cùng đồng đội thua UAE 0-1 ở lượt đi và bị đè bẹp 5 bàn không gỡ trên sân khách ở trận lượt về. Đây cũng là lần gặp gỡ chính thức gần nhất giữa Việt Nam và UAE ở vòng loại World Cup. Đội bóng Tây Á đã vào tới bán kết Asian Cup 2019 và là đối thủ cần phải giải mã.
Vòng loại năm 2014, tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Falko Goetz đánh bại Macau với tổng tỉ số 13-1 (thắng 6-0 lượt đi, 7-1 lượt về), song khi gặp Qatar ở vòng loại 2, đội bóng áo đỏ không tạo được bất ngờ. Thua chung cuộc 2-4, tuyển Việt Nam bị loại trước ngưỡng cửa vòng bảng.
Vòng loại gần đây nhất (2018), tuyển Việt Nam thi đấu dưới quyền của 2 HLV. Dưới thời ông Toshiya Miura, ĐTQG thua Thái Lan cả 2 trận (0-1, 0-3), hoà Iraq (1-1), thắng Đài Loan (2-1). HLV Hữu Thắng giúp toàn đội thắng Đài Loan 4-1 ở trận lượt về nhưng thất bại trên sân Iraq khiến tuyển Việt Nam phải dừng bước ở vòng loại 2.
Tổng cộng, tuyển Việt Nam thắng 7 trận sau 7 kỳ vòng loại World Cup, ghi 42 bàn (13 bàn vào lưới Macau), thủng lưới 76 bàn, trung bình thắng 1 trận, ghi 6 bàn và thủng lưới gần 11 bàn ở mỗi chiến dịch vòng loại.
Tuyển Việt Nam cũng thắng 3 trận ở chiến dịch vòng loại 2002 - thành tích toàn đội có thể phá vỡ ở vòng loại trước mắt khi cả Thái Lan hay Malaysia đều từng thua tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo, còn Indonesia đang khủng hoảng tài năng với khoảng trống thế hệ sau lứa Ivan Dilmas không được san lấp.
Nếu vượt qua vòng loại 2, tuyển Việt Nam cũng sẽ có lần đầu trong lịch sử vào đến vòng loại cuối cùng. Rất nhiều khó khăn, nhưng nếu chinh phục được, chiến quả sẽ vô cùng đáng nhớ. bóng đá Việt Nam cần một cú hích để cụ thể hoá mục tiêu dự World Cup 2026.