Đây là nội dung của dự án "Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam" do Lenovo tài trợ với mục tiêu hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nữ thanh niên có sự chuẩn bị tốt hơn trước khi tham gia lực lượng lao động, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Theo đó, sáng ngày 28/5/2024, dự án "Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam" do Tập đoàn Lenovo tài trợ Quỹ chương trình toàn cầu TransforME Grant round đã chính thức được khởi động. Dự án được triển khai bởi Tổ chức Plan International tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo dục nghề nghiệp (REACH).
Các khách mời danh dự tham gia chương trình sáng ngày 28/5 |
Sự kiện có sự tham gia của đại diện nhà tài trợ Tập đoàn Lenovo tại Việt Nam, Bộ Nội vụ, Đại diện Cục An ninh Chính trị Nội bộ - Bộ Công an, Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á - Việt Nam (SEARAV), tổ chức Plan International Việt Nam, Viện REACH cùng hơn 70 đại biểu là các đơn vị đối tác, các doanh nghiệp và đơn vị phối hợp tuyển sinh và các bạn thanh niên đại diện cho nhóm đối tượng được hỗ trợ.
Theo báo cáo năm 2022 của TopDev – một kênh tuyển dụng và hệ sinh thái hàng đầu trong lĩnh vực Di động & CNTT tại Việt Nam, cả nước sẽ thiếu khoảng 150.000 – 195.000 nhân lực CNTT cho giai đoạn 2022-2024. Hiện chỉ 35% trong số đó, tương đương với khoảng 57.000 cử nhân CNTT tốt nghiệp hàng năm có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp CNTT. Nữ giới trong ngành CNTT ở Việt Nam chỉ chiếm 7,85%, còn tỷ lệ nữ tham gia các khóa học CNTT hiện nay ở các đơn vị đào tạo nằm trong khoảng từ 10,4 đến 20%. Ở Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, CNTT được xem là “lĩnh vực của nam giới”, hay được coi là một lĩnh vực “cao cấp”.
Với sự tài trợ của Tập đoàn Lenovo tài trợ thuộc quỹ chương trình toàn cầu TransforME Grant round, dự án Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam được tổ chức Plan International phối hợp với Viện REACH thực hiện nhằm mục đích giúp cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nữ thanh niên, có sự chuẩn bị tốt hơn trước khi tham gia lực lượng lao động trong lĩnh vực CNTT, giúp thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và giúp cho nữ thanh niên có được thu nhập tốt và ổn định, từ đó gián tiếp tác động tích cực tới sự bình đẳng trong cuộc sống của họ.
Các khách mời trao đổi thêm thông tin về dự án tại tọa đàm |
Trong 1 năm triển khai (từ tháng 4/2024 đến tháng 4/2025), dự án sẽ hỗ trợ 200 thanh niên độ tuổi từ 18 - 25 tuổi (trong đó 40% là nữ giới) được tham gia các khóa học nghề từ 3-6 tháng trong lĩnh vực kỹ thuật số, được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết và hỗ trợ kết nối có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Dự án sẽ tập trung vào các khóa học ngắn hạn thiết kế đồ họa 2D, thiết kế đồ họa 3D và Digital Marketing. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ cho 200 thanh niên từ các khóa học ngắn hạn khác của Viện REACH được trang bị các kỹ năng sống và kiến thức về bình đẳng giới để tự tin hơn khi gia nhập vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc quốc gia tập đoàn Lenovo Việt Nam chia sẻ thông tin tại tọa đàm |
Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc quốc gia tập đoàn Lenovo Việt Nam chia sẻ: “Lenovo đã đầu tư hơn 2 triệu USD vào các dự án phát triển trên khắp thế giới nhằm trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết, từ đó giúp tạo ra những thay đổi tích cực cho sự nghiệp, cuộcsống của họ và lan tỏa tới cộng đồng xung quanh. Dự án này là một trong những cam kết của Lenovo nhằm đóng góp vào mục tiêu chung giúp thay đổi thay đổi cuộc sống của 1 triệu người vào năm 2025. Đầu tư vào kỹ năng mềm, kỹ năng nghề hiện là ưu tiên hàng đầu của nhiều công ty công nghệ trong các lĩnh vực như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, phát triển web và phân tích dữ liệu – những lĩnh vực hiện đang có nhu cầu cao về nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Bằng cách hỗ trợ Dự án Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có thể tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thị trường lao động hiện nay.”
Nhiều ý kiến trong tọa đàm đã góp phần khẳng định dự án sẽ thành công tốt đẹp |
Nói thêm về vấn đề này, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác của tổ chức Plan International Việt Nam cho biết: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã hợp tác với các đối tác triển khai thành công nhiều dự án đào tạo nghề theo định hướng thị trường, nhằm hỗ trợ các bạn thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các bạn nữ có cơ hội được học nghề, được trang bị các kỹ năng cần thiết, được giới thiệu việc làm và có thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp.
Tiếp nhận hỗ trợ từ Lenovo thông qua Plan Hồng Kông, dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam” sẽ tiếp tục củng cố mô hình đào tạo nghề theo định hướng thị trường. Chúng tôi mong đợi sự thành công của các bạn nữ thanh niên tham gia vào dự án sẽ trở thành những nhân tố tạo cảm hứng, giúp xóa bỏ những định kiến về khả năng của nữ giới trong học nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nơi vẫn được xem là “lĩnh vực của nam giới”. Dự án cũng sẽ đóng góp vào cam kết hỗ trợ 2 triệu trẻ em gái học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển trong chiến lược 5 năm của tổ chức Plan International Việt Nam giai đoạn 2020-2025”.
Ông Đoàn Tuấn Dũng - Phó Viện trưởng Viện REACH phát biểu ý kiến |
Là đơn vị sẽ trực tiếp đào tạo kỹ năng số cho 200 thanh niên, ông Đoàn Tuấn Dũng - Phó Viện trưởng Viện REACH khẳng định: “REACH vô cùng cảm kích sự tin tưởng, nỗ lực của nhà tài trợ Lenovo và Plan International trong việc xây dựng dự án Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam. Trải qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, REACH đã hỗ trợ nghề nghiệp và việc làm cho hơn 21,000 thanh niên trong nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, có đến hơn 3.287 nữ thanh niên được đào tạo CNTT. Nhiều bạn đã và đang làm việc trong lĩnh vực này và có những bước tiến trong nghề nghiệp của mình. Đối với dự án Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam, REACH kỳ vọng sẽ tiếp tục có những những bước đi vững chắc trong công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và việc làm trong lĩnh vực kỹ năng số cho thanh niên”.