Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, trong số 200 người Việt tới đây tị nạn đã có một nửa trong số này trở lại các nước xuất phát sau khi rời Ukraine, trong đó chủ yếu là Ba Lan, để tìm cách hồi hương về Việt Nam hoặc thực hiện đúng các quy định để được hưởng quy chế tị nạn của nước tới đầu tiên sau khi rời Ukraine.
Số ở lại, kể cả những trường hợp có người thân quen lẫn không có người quen tại Séc, đều được cộng đồng người Việt bố trí chỗ ăn ở tương đối chu đáo trong thời gian tạm trú tại Séc và tiếp tục làm các thủ tục hồi hương hoặc trở lại nước xuất phát.
Đại sứ Thái Xuân Dũng nhấn mạnh do CH Séc không giáp Ukraine nên số người Việt Nam chạy tị nạn từ Ukraine sang Séc không đông như sang các nước khác, tuy nhiên những quy định về tị nạn và nhập cảnh, nhập cư của Séc hết sức ngặt nghèo.
Trên cơ sở đánh giá như vậy, Đại sứ quán Việt Nam tập trung ưu tiên cho công tác hỗ trợ pháp lý cho đồng bào, qua đó kịp thời hỗ trợ, xử lý, giúp đỡ hàng chục trường hợp vi phạm quy định của Séc, đặc biệt là một số trường hợp không có giấy tờ tùy thân, tránh cho các trường hợp này bị đưa vào các trại tị nạn chờ trục xuất ra khỏi lãnh thổ Séc.
Cùng ngày, đã có khoảng trên 100 công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Slovakia, tuy nhiên phần lớn trong số này lại tiếp tục di chuyển tới một nước khác trong châu Âu.
Cộng đồng người Việt tại Slovakia rất chủ động, tích cực và có nhiều hoạt động giúp đỡ người Việt Ngam từ Ukraine sang lánh nạn như thu xếp chỗ ăn, chỗ ở, hỗ trợ đưa đón bà con, quyên góp đồ dùng, thực phẩm để đóng gói, vận chuyển lên khu vực cửa khẩu.
Đặc biệt, các hội, đoàn người Việt Nam tại thành phố Kosice (Chi Hội Người Việt Nam tại Kosice, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên) là khu vực gần các cửa khẩu giữa Slovakia và Ukraine, đã tổ chức các nhóm cứu trợ, thay phiên nhau túc trực để đón và hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang, cung cấp đồ ăn, thức uống, bố trí đi lại, nơi ăn nghỉ cho những người Việt tị nạn.