Tuy nhiên, hệ thống này gần như không hề hoạt động, khiến công trình xuống cấp nặng nề. Khi mới đi vào hoạt động, cụm công nghiệp (CCN) chế biến hải sản Thạch Kim (Lộc Hà) có 11 cơ sở đầu tư, SX, kinh doanh và trên 90 hồ sơ đăng ký hoạt động. Sau 3 năm, cụm công nghiệp này chỉ có 13 cơ sở chế biến hải sản và 3 kho cấp đông. Do đó, hệ thống xử lý nước thải không đủ công suất để hoạt động, nước thải từ các cơ sở chế biến cứ thế ngấm ra môi trường tự nhiên, về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Có mặt tại CCN, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh hoang phế của hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản. Xung quanh khu xử lý rác thải cỏ dại mọc um tùm, rác rưởi, phế liệu quanh CCN đều được tập kết về đây. Các van vận hành cùng hệ thống ống sắt đều đã hoen gỉ, những đường ống nhựa dẫn nước từ bể này qua bể khác có dấu hiệu bị vỡ khá lâu. Rác thải còn tràn vào các bể chứa nước thải.
Rác thải tấn công bên trong các bể xứ lý nước thải |
Ông Phạm Văn Hội, chủ cơ sở đông lạnh Hội Tạo cho biết, khi CCN chế biến hải sản Thạch Kim được đi vào hoạt động, gia đình ông là một trong những người tiên phong vào CCN thuê đất xây dựng kho đông lạnh. Từ đó kho cấp đông của gia đình ông đi vào hoạt động ổn định với khoảng 200 - 300 tấn hải sản/năm.
Nhiều hạng mục đã hoen gỉ |
“Sau khi mua cá về chúng tôi phải thực hiện công đoạn rửa cá mới tiến hành cấp đông. Đối với những loại cá trích, cá ve, cá cơm, ruốc… thì tốn khá nhiều nước với 3 - 4 m3/tấn. Nước thải sẽ chảy theo mương thoát nước trước cửa nhà nhưng chúng tôi không biết nước chảy đi đâu, cũng có thể bị tắc nghẽn ở đâu đó. Hệ thống xử lý nước thải cũng lâu rồi không thấy hoạt động”, ông Hội chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng BQL CCN chế biến hải sản Thạch Kim thừa nhận hệ thống xử lý nước thải chưa hoạt động hết công suất vốn có của nó. “Do các hộ dân vào CCN còn ít, lượng nước thải chảy ra hệ thống quá ít nên hệ thống xử lý nước thải này chưa hoạt động thường xuyên. Năm ngoái thì gần như không hoạt động do sự cố môi trường biển, còn năm nay ngư dân không được mùa cá nên cũng không đủ lượng nước thải để vận hành hệ thống”.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam