Dưới sự quản lý và đầu tư của Chính phủ, Hiệp hội Môi trường Hàn Quốc (Korea Enviroment Association) được thành lập năm 2007 với vai trò: Nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan tới môi trường, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường trên thế giới để thực hiện các dự án môi trường.
Kể từ khi thành lập tới nay, tổ chức này đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách môi trường quan trọng tại Hàn Quốc như: tăng trưởng xanh, giảm hàm lượng cacbon; nghiên cứu phát triển công nghệ sản cuất các mặt hàng thân thiện với môi trường tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ; pPhát động phong trào tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân...
Đổ rác không đơn thuần “vứt là xong”
Ở Hàn Quốc, việc xử lý rác thải không chỉ được gọi đơn thuần là "đổ rác" mà phải là "phân loại và đổ rác". Người dân Hàn Quốc từ khi còn nhỏ đã được giáo dục và học theo người lớn cách nhận biết các chất liệu, thu gom và phân loại để đổ rác đứng quy định.
Đồ ăn thừa phải gói riêng cẩn thận... |
Là một đất nước phát triển hàng đầu Châu Á, Hàn Quốc sử dụng một hệ thống xử lý rác thải khoa học và tiên tiến gọi là Jongnyanje, được sinh ra với mục đích biến quy trình thu thập, xử lý rác thải sinh hoạt theo trật tự và thân thiện với môi trường nhất. Hệ thống này có nhiệm vụ phân chia rõ ràng tất cả các loại rác thành nhiều hạng mục nhỏ khác nhau, tiện cho việc xử lý nhất.
Ứng với mỗi mục phân loại này sẽ có mức phạt riêng nếu người dân không tuân thủ. Theo đó ý thức về rác thải trong cộng đồng tăng lên rất nhiều.
Rác thải được chia theo từng hạng mục nhỏ, rõ ràng: Rác thông thường (ilban sseuregi), rác thực phẩm (eumsikmul sseuregi), rác tái chế được (jaehwal yongpum), các loại vật dụng kích thước lớn bị bỏ (daehyeongpyegimul).
Cụ thể:
Rác thải thông thường: ví dụ như nồi cơm, sản phẩm điện tử, băng đĩa nghe nhìn, chai lọ thuốc, bình đựng nước, đồng hồ, găng tay, khung cửa sổ, chổi, thảm trải sàn hay các sản phẩm bằng nhựa composite…
Mỗi loại rác lại có một quy định riêng, ví dụ: quần áo phải được để trong túi riêng không lẫn với các sản phẩm bằng vải khác như gối, gấu bông… Giày phải để theo đôi hoặc buộc vào nhau hoặc từng đôi trong các rúi riêng biệt.
Rác tái chế: ví dụ vỏ chai, người dân Hàn Quốc được hướng dẫn phải vứt vỏ chai đúng thùng rác chứa rác tái chế. 1-2 lần vứt sai, người dọn vệ sinh sẽ thông cảm cho người dân. Nhưng nếu chuyện này tái diễn nhiều lần, lao công sẽ báo cáo chính quyền địa phương để phạt nặng người dân.
Mỗi loại rác có 1 thùng để riêng |
Chính phủ Hàn Quốc rất khắt khe với vấn đề phân loại rác tái chế. Rác tái chế phải được làm sạch trước khi vứt, không được để lại thức ăn thừa bên trong. Các chai nhựa cần được bóc nhãn và tháo nút. Đối với các vật dụng như máy tính, màn hình, bàn phím, máy in, thiết bị trò chơi, đồng hồ, bàn là, quạt điện… và các thiết bị điện tử nhỏ khác được phép đặt chung với các rác thải tái chế và được thu dọn miễn phí. Quy định này được chính phủ Hàn Quốc đặt ra nhằm khuyến khích việc tái chế đồ điện tử – vốn là một trong những điểm mạnh của đất nước này.
Một số đồ dùng đặc biệt như pin, điện thoại di động hay thuốc... phải được xử lý theo cách đặc biệt: mang đến các trung tâm cộng đồng hoặc mang trả lại cho nhà thuốc đối với thuốc chưa sử dụng.
Rác thải thực phẩm: Một điểm đặc trưng của thực phẩm ở Hàn Quốc, phần lớn là đồ lên men, thường có mùi rất nồng. Không những thế, người Hàn Quốc cũng ưa chuộng các món súp khiến rác thải thực phẩm ở đây khó xử lý hơn. Thức ăn thừa hay rác thực phẩm được Hàn Quốc coi là loại rác thải riêng biệt, với cách xử lý và quy định đặc biệt.
Theo quy định, thực phẩm bỏ đi phải được để ráo nước và cho vào những chiếc túi đặc biệt có tên là Eum-shik-mool Sseulaegi Bongtu. Đây là một trong những điểm khiến hệ thống xử lý rác thải tại Hàn Quốc trở nên đặc biệt thân thiện với môi trường. Đối với các loại rác thực phẩm có thể phân hủy sinh học tự nhiên, người Hàn Quốc sẽ gói lại riêng rồi mới đem đi vứt. Phần thức ăn thừa này nếu còn sử dụng tốt sẽ được chuyển đến trang trại cho gia súc ăn, vừa đỡ phí lại giúp giảm thiểu hàng nghìn tấn rác mỗi ngày.
Vấn đề về xử lý thực phẩm bỏ đi tại Hàn Quốc lớn đến nỗi Chính phủ nước này đã phải đưa ra quy định thu phí rác thải dựa theo số cân nặng lượng rác sinh hoạt mà họ thải ra. Thay đổi này được áp dụng với mong muốn người dân sẽ có ý thức hơn trong vấn đề rác thực phẩm trước khi vứt bỏ.
Một số thức ăn không thể tái sử dụng như thức ăn cho động vật bị loại khỏi mục rác thực phẩm như các loại hạt, xương và lông động vật, vỏ hải sản, bã chè….
Phát hành tem trả phí xử lý rác
Những vật dụng lớn như đồ nội thất, đồ dùng thiết bị điện máy - những loại rác không đựng vừa túi ni-lông được Hàn Quốc áp dụng cách thải bỏ riêng.
Hàn Quốc sử dụng các loại tem có mệnh giá từ 2.000- 15.000 Won (tương đương 40.000-300.000 VNĐ) để trả phí cho việc xử lý rác cồng kềnh tùy vào kích thước lớn nhỏ của chúng và người dân có thể mua tem trên mạng hoặc liên hệ qua ban quản lý địa phương.
Loại tem 2.000 Won (40.000 VND) áp dụng với các loại vật dụng nhỏ như ghế, tủ bé, máy hút bụi, TV, lò vi sóng…
Với các loại vật dụng lớn hơn như tủ lạnh, điều hòa, bạn sẽ phải mua loại tem 8.000 Won (160.000 VND).
Còn đối với những thứ to kềnh càng như đàn piano, giường tủ, mức phí sẽ là 15.000 Won (300.000 VND).
Tuy nhiên nếu vật dụng còn mới hoặc vẫn còn sử dụng tốt, người dân Hàn Quốc được khuyến khích quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương để có thể đến tay những người nghèo có nhu cầu sử dụng. Cũng chính từ hình thức này, nạn trộm cắp ở Hàn Quốc giảm xuống đáng kể.
Phạt nặng người Hàn Quốc lẫn người nước ngoài
Ở Hàn Quốc, người dân được cung cấp lịch vứt rác cho từng tháng với ngày thu gom rác tái sử dụng riêng, ngày dành cho các vật dụng lớn riêng.
Không phân biệt là người Hàn Quốc hay người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, trong trường hợp vi phạm quy định phân loại và đổ rác sẽ bị phạt rất nặng: Đổ rác không sử dụng túi đổ rác theo trọng lượng bị phạt 100.000 won (2 triệu VNĐ), đốt rác sai quy định 100.000 won (2 triệu VNĐ), vi phạm phân loại đổ rác tái chế 100.000 won (2 triệu VNĐ), sử dụng xe để đổ rác trái nơi quy định 300.000 won (6 triệu VNĐ), đổ rác trước cửa nhà người khác 50.000 won (1 triệu VNĐ)...
Việc phát hiện đổ rác sai phạm ở Hàn Quốc cũng không khó bởi tất cả các khu dân cư, tuyến đường đề có camera theo dõi. Chỉ cần một người vi phạm, ngày hôm sau lập tức có giấy phạt gửi đến tận nhà yêu cầu nộp tiền phạt tại các trung tâm dân sự theo từng khu.
Những lao động và người nước ngoài đến từ các nước Châu Á ban đầu rất khó có thể thích nghi với nhưng quy tắc phân loại rác vô cùng phức tạp của Hàn Quốc. Nhưng với nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển đa văn hóa, chính phủ Hàn Quốc đngg hướng dẫn những người nước ngoài định cư lâu dài hoặc ngắn hạn tại Hàn Quốc hòa nhập với cuộc sống bằng cách phiên dịch những bảng quy định phân loại và đổ rác sang nhiều thứ tiếng khác nhau.
Nếu muốn hòa nhập với cuộc sống của xứ sở kim chi, một trong những việc ưu tiên bạn cần làm đó là... học đổ rác.