Bắt đầu “học thật” ở tuổi 49
Học giả An Chi được biết đến khi giữ chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến thức Ngày nay. Những năm đầu 1990 sau thời kỳ đổi mới, Kiến thức Ngày nay trở thành tạp chí hàng đầu khi mang lại nhiều thông tin giúp độc giả trong nước hiểu hơn về thế giới bên ngoài. Chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” do An Chi phụ trách trở thành “món ăn tinh thần” được nhiều người đón đọc.
Học giả An Chi - Ảnh: Phong Quang |
Ông tên thật Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935 tại Sài Gòn, đến năm 1955 ông vượt tuyến ra Bắc với tài sản mang theo là thư tay của hai ông Phan Kiệm và Nguyễn Văn Linh. Hai nhà cách mạng này viết thư gửi gắm chàng trai Võ Thiện Hoa cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch để có cuộc sống tốt hơn trên đất Bắc. Nhưng thay vì tìm đến ông Phạm Ngọc Thạch để nhận được sự bảo bọc, Võ Thiện Hoa lại đăng ký đi thanh niên xung phong.
Cuộc đời của học giả An Chi là một tấm gương tự học đáng kính trọng khi bằng cấp cao nhất của ông chỉ tốt nghiệp ở trường Sư phạm trung cấp Trung ương rồi đi dạy học cấp 2 (THCS) ở Thái Bình. Những năm 1966-1968 ông còn làm tạp vụ của trường Bồi dưỡng Cán bộ giáo viên tỉnh Thái Bình, rồi học nghề thợ nguội và dạy bổ túc văn hóa ở Hà Nội (1969-1972). An Chi có thời gian phụ trách thư viện ở trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo đến tháng 8/1975 về Nam. Về Nam, ông công tác trong ngành giáo dục Q.1, TP.HCM đến năm 1984 về hưu non khi mới 49 tuổi. Về hưu ở tuổi 49 để ông tập trung “học thật”, theo cách ông nói là “về hưu non để đọc sách và nuôi chim kiểng chơi”.
Thời gian đầu, An Chi giữ mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến thức ngày nay với bút danh Huệ Thiên. Trong một bài viết trả lời về câu đối liên quan đến một địa danh ở TP.HCM, ông phải tạm thời không giữ mục này một thời gian và ông gọi đó là “tai nạn nghề nghiệp”. Khi trở lại với “Chuyện Đông chuyện Tây”, ông đã lấy bút danh là An Chi – một cách nói lái có nghĩa An Chi cũng “y chang” như… Huệ Thiên trước đây.
Dù là Huệ Thiên hay An Chi, thì công việc ông làm đã tạo thành giá trị tên tuổi của ông như hiện nay. An Chi tức “y chang” Huệ Thiên nhưng không phải lúc nào ông cũng đúng giữa “bể học vô bờ”. Nhiều lần An Chi đã công khai thừa nhận những sai lầm của mình và nhiều lần ông “phoọc phe” (bỏ cuộc) vì không muốn sa vào những tranh cãi vô ích. Trước khi “phoọc phe”, An Chi nói rất rõ lý do với độc giả nhưng nếu độc giả vẫn chưa hài lòng thì ông trở lại “hậu phoọc phe” để giải đáp tiếp những thắc mắc.
Học giả An Chi bên tủ sách gia đình - Ảnh: Lê Công Sơn |
Thấu lý nhưng đạt tình
Chính thái độ làm việc cầu thị, cẩn trọng trên tinh thần khoa học này, An Chi được rất nhiều tờ báo, tạp chí mời giữ mục để giải đáp các yêu cầu của bạn đọc về chữ nghĩa. Ngoài cái lý đầy thuyết phục bằng các dẫn chứng và lập luận, học giả An Chi còn dựa vào chữ tình trong các tranh luận. Chẳng hạn, vào năm 2006 GS. Nguyễn Huệ Chi có bài “Đôi điều thưa lại cùng ông An Chi” in trên Kiến thức Ngày nay số ra ngày 20/5. Lẽ ra, An Chi đã trả lời những vấn đề Nguyễn Huệ Chi đã nêu nhưng ông im lặng mãi đến năm 2011 mới “phúc đáp muộn màng”.
Lý do, trong bài viết của Nguyễn Huệ Chi có viện dẫn ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, mà khi đó GS. Hạo đang lâm trọng bệnh và qua đời vào tháng 6/2007. Học giả An Chi không thể “xới lên” vấn đề khi người liên quan đang bệnh nặng và vừa qua đời; và vì cả hai ông Chi đều là bạn của nhau lâu ngày. Tất nhiên, dù An Chi và Huệ Chi là bạn nhưng chân lý vẫn chỉ có một. Trong lĩnh vực “từ nguyên”, theo An Chi, mỗi từ/ngữ chỉ có một xuất xứ duy nhất như con chỉ có một người mẹ ruột vậy.
Nhắc đến học giả An Chi, nhiều bạn đọc có thể đem tất cả các thắc mắc chưa biết hỏi ai về chữ nghĩa đến nhờ ông giải đáp. Chẳng hạn như trong tên khai sinh của người Việt, tại sao nam lót chữ “văn” còn nữ lót chữ “thị”? Bằng nghiên cứu của mình, An Chi chỉ ra rằng chữ “văn” trong tên nam giới nằm trong “văn thân, nghĩa là “xăm mình”. Nam giới người Việt khi xưa có tục xăm mình để xua đuổi tà ma và cũng để thể hiện dũng khí và quyết tâm, như thời nhà Trần xăm chữ “sát thát” để quyết tâm đánh giặc ngoại xâm vậy.
Một trong những tác phẩm của học giả An Chi |
Chữ “văn” dùng để chỉ đàn ông xăm mình, theo thời gian đã thành chữ lót trong tên nhưng không cần xăm vằn vện nữa. Còn “thị” dùng để chỉ người phụ nữ đã trưởng thành trong giao tiếp hàng ngày chứ không trở thành chữ lót như hiện nay. Ví dụ Trần Thị A là cách nói để chỉ người đàn bà họ Trần tên A. Cách hiểu nguyên thủy về “văn” và “thị” này đã phai dần theo thời gian và “văn, thị” trở thành chữ lót trong giấy khai sinh nhiều người Việt.
Như đã nêu trên, khi vượt tuyến ra Bắc, chàng trai dân Sài Gòn Võ Thiện Hoa có “bảo bối” lận lưng là thư tay của hai nhà cách mạng Phan Kiệm và Nguyễn Văn Linh gửi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch để giúp ông có cuộc sống tốt hơn. Nhưng vì tinh thần tự lập nên ông đã không tìm đến bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mà đăng ký đi thanh niên xung phong. Dù bằng cấp chỉ là trung học sư phạm nhưng kiến thức trong sách vở được ông thâu tóm khá nhiều nhờ tinh thần tự học. Và khi tranh luận một vấn đề trong “cơn say bút chiến” dễ dẫn đến những sai lầm, ông sẵn sàng công khai nhìn nhận điều chưa đúng của mình; ấy là tinh thần tự trọng vậy. Có thể nói An Chi hội đủ nhiều yếu tố để tạo thành một bậc trí thức trong thời buổi cơm áo gạo tiền hiện nay.
Học giả An Chi (27/11/1935 – 12/10/ 2002) còn bút danh khác là Huệ Thiên, tên thật Võ Thiện Hoa, ông còn có tên Pháp là Emile Pierre Lucatos, quê quán ở Bình Hòa xã, Gia Định nay thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ngoài cộng tác với các báo, tạp chí, ông đã ấn hành các cuốn sách: Những tiếng trống qua cửa nhà sấm, Chuyện Đông chuyện Tây (7 tập), Rong chơi miền chữ nghĩa (5 tập), Câu chữ truyện Kiều… Ước mơ của học giả An chi là thực hiện quyển sách “Từ điển từ nguyên các từ Việt gốc Hán” nhưng quỹ thời gian của ông không còn nhiều và tư liệu vẫn còn tản mác nên dù rất muốn ông vẫn không thực hiện được.
Linh cữu của học giả An Chi quàn tại 482/52C Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 21 giờ 30 phút ngày 12.10, động quan lúc 13 giờ ngày 14.10. Sau đó linh cữu ông được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, TP.HCM.