Theo UNESCO, có 235 triệu sinh viên đăng ký học đại học trên toàn thế giới, con số này đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua và có khả năng sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.
Đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng đó, làm thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học thích ứng được với những thách thức hiện đại như phát triển bền vững? Làm thế nào để hỗ trợ di chuyển cho những chuyến du học quốc tế? Bài học kinh nghiệm nào có thể rút ra từ đại dịch COVID-19? Hội nghị lần này của UNESCO được tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha) để giải đáp những vấn đề trên.
Sự kiện sẽ có sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu đến từ các trường đại học, chính phủ, các tổ chức đa phương, khu vực tư nhân và dân sự để chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng, nhằm vạch ra một lộ trình toàn cầu chung cho thập kỷ tới.
Hội nghị sẽ được chủ trì bởi Tổng Giám đốc UNESCO - Audrey Azoulay, Bộ trưởng Bộ Đại học Tây Ban Nha - Joan Subirats, Chủ tịch Tổng cục Catalonia - Pere Aragonès và Thị trưởng Barcelona - Ada Colau.
Bình đẳng trong tiếp cận giáo dục
Mặc dù tỷ lệ nhập học có mức tăng đáng kể lên đến 200% trong 20 năm qua ở các khu vực như châu Phi cận Sahara, Trung và Nam Á, Đông Nam Á, nhưng sự chênh lệch giữa các khu vực này vẫn tồn tại. Từ 40% đến 50% sinh viên đăng ký học đại học ở Đông và Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe. Ở Trung và Nam Á chỉ có 25% sinh viên đăng ký. Và con số này giảm xuống còn 9% đối với khu vực châu Phi cận Sahara.
Việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục là cần thiết, nhưng điều đó đi kèm với những áp lực lớn lên ngân sách và hậu cần đối với chính phủ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Xu hướng tăng học phí và các chi phí khác đã xuất hiện ở nhiều nơi, tạo gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình họ.
Nâng cao khả năng du học
Sáu triệu sinh viên toàn cầu đang du học và con số này dự kiến sẽ tăng lên 8 triệu vào năm 2025. Các khuôn khổ quốc tế là cần thiết để hỗ trợ du học sinh, không chỉ là tài sản học tập cho sinh viên mà còn là động lực thúc đẩy chia sẻ kiến thức và hiểu biết lẫn nhau.
Tại Hội nghị Barcelona, UNESCO sẽ kêu gọi các Quốc gia thành viên theo đuổi việc phê chuẩn Công ước Toàn cầu về Công nhận Văn bằng liên quan đến Giáo dục Đại học, hiệp ước đầu tiên của Liên hợp quốc nhằm tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và nghiên cứu học thuật xuyên biên giới. Mười bốn quốc gia đã phê chuẩn văn bản và chỉ cần thêm bảy chữ ký nữa để nó có hiệu lực.
Học hỏi từ đại dịch
Đại dịch COVID-19 đã thách thức các hệ thống giáo dục đại học, dẫn đến những thiếu sót trong giáo dục và gia tăng bất bình đẳng. Nó cũng cho thấy rằng các hệ thống giáo dục đại học với nguồn tài trợ công đáng kể có khả năng chống chịu tốt hơn khi đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu, đồng thời đảm bảo phục vụ liên tục cho số lượng sinh viên lớn nhất có thể. Hội nghị sẽ rút ra các bài học từ hai năm qua để thiết kế các hệ thống vừa mạnh mẽ vừa có khả năng phục hồi tốt hơn.
Để xây dựng lộ trình phát triển giáo dục đại học đến năm 2030, Hội nghị sẽ tập trung vào các chủ đề: (1) Tác động của COVID-19 đối với giáo dục đại học; (2) Giáo dục Đại học và các Mục tiêu Phát triển Bền vững; (3) Hội nhập; (4) Chất lượng và Mức độ phù hợp của các Chương trình; (5) Du học; (6) Quản trị; (7) Tài trợ; (8) Sản xuất dữ liệu và tri thức; (9) Hợp tác quốc tế và (10) Tương lai của giáo dục đại học.
Hội đồng Khoa học Quốc tế (ICS), Hiệp hội Các trường đại học quốc tế (IAU), Mạng lưới các trường đại học toàn cầu về đổi mới (GUNi/ACUP) và Hiệp hội các trường đại học công lập Catalan là một số đối tác của Hội nghị.