Phát biểu tại Hội nghị Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết Đại dịch đã gây nhiều tổn thất cho nền kinh tế nhưng cũng tạo ra cơ hội to lớn cho các nước nếu sớm kiểm soát được dịch bệnh. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đại dịch Covid 19 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 4.000 tỷ USD.
Đại sứ Phạm Sanh Châu. |
Việt Nam và Ấn Độ cần nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và tận dụng tốt sự dịch chuyển về dòng vốn đầu tư giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã chứng minh được năng lực và tính kỷ luật trong xử lý dịch bệnh, sẽ chứng minh được năng lực và tính kỷ luật trong phát triển kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch Covid-19 rất nhanh và quyết liệt, thông qua việc sớm đóng cửa biên, thực hiện giãn cách xã hội, sự minh bạch trong xử lý khủng hoảng và hỗ trợ quốc tế. Các nước đánh giá cao tinh thần hỗ trợ quốc tế của Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump Twitter đã bày tỏ “cảm ơn Việt Nam” sau khi Mỹ nhận được 450.000 bộ quần áo bảo hộ được sản xuất tại Việt Nam.
Hội thảo “Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ: cơ hội & thách thức hậu Covid-19” là chương trình tương tác trực tuyến đầu tiên của các doanh nghiệp Ấn Độ với Đại sứ quán và các cơ quan chức năng Việt Nam. Đây là sáng kiến mới nhằm tăng cường trao đổi thông tin và xúc tiến thương mại, đầu tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra. |
Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của Covid đến người dân và hỗ trợ phát triển kinh tế, Việt Nam đã nhanh chóng công bố các gói hỗ trợ kinh tế trị giá trị 25 tỷ đô la, khoảng 10% GDP để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng, hỗ trợ chính sách tài khóa, giãn - hoãn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Trong vai trò là Chủ tịch Asean năm 2020, ngay sau khi nhận được đề nghị của Bộ Công Thương Ấn Độ, Việt Nam đã tích cực trao đổi với các nước Asean về đề xuất sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Ấn Độ, qua đó thúc đẩy kinh tế số.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, các nước đang phong tỏa, hạn chế đi lại, Đại sứ đánh giá cao và ủng hộ các sáng kiến tổ chức giao thương trực tuyến, các buổi gặp gỡ người bán – người mua và “triển lãm trực tuyến – Digital Exhibition”, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ, chỉ ra một số ngành và lĩnh vực có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư như Dệt May, Năng lượng, Khoa học công nghệ, Thiết bị điện tử …
Đại sứ tin tưởng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước với nền tảng quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp sẽ phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.