Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh vai trò của văn hóa như một trụ cột của phát triển bền vững. Giới trẻ là lực lượng có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy và phát huy sự đa dạng của văn hóa.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, đa dạng văn hóa là nhân tố quyết định sự giàu có và phong phú của nguồn tài nguyên văn hóa, từ đó làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, có sự tôn trọng lẫn nhau về sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia – dân tộc, đồng thời chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển.
Việc đảm bảo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau sẽ đưa các quốc gia, các nền văn hóa cùng hợp tác, đối thoại, xây dựng niềm tin và chia sẻ để cùng tồn tại và phát triển thay vì tạo ra những xung đột và mâu thuẫn. Chính vì ý nghĩa này, có thể thấy rằng, bằng việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa, chúng ta sẽ cùng xây đắp một văn hóa phổ quát – văn hóa của sự đa dạng.
Trong bối cảnh và định hướng bao trùm này, giới trẻ là lực lượng có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy và phát huy sự đa dạng của văn hóa. Ở Việt Nam, tính đến năm 2020, dân số trong độ tuổi thanh niên chiếm khoảng 24% tổng dân số cả nước. Hầu hết những người trong nhóm dân số này được coi là những dân cư bản địa kỹ thuật số (digital natives), với đặc trưng là khả năng ứng dụng, làm chủ khoa học, công nghệ nhanh nhạy, sức sáng tạo dồi dào, có quan điểm mới mẻ về các vấn đề văn hóa, cởi mở hơn với những ý tưởng mới.
Chính vì vậy, cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới, chúng ta đã và đang chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sản phẩm văn hóa hiện đại thuộc nhiều loại hình khác nhau như âm nhạc, điện ảnh, văn học… được giới trẻ Việt Nam sáng tạo trên nền tảng khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống. Giới trẻ cũng là những người tiên phong trong việc thử nghiệm và tạo ra các loại hình hay thực hành văn hóa mới mẻ như nghệ thuật số, nghệ thuật truyền thông. Kho tàng văn hóa của chúng ta ngày càng trở nên giàu có hơn nhờ vào sự đóng góp tích cực của giới trẻ.
Để thế mạnh của giới trẻ được phát huy tối đa, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đa dạng văn hóa, việc xây dựng, hoàn thiện khung khổ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của giới trẻ có ý nghĩa then chốt.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. |
"Quốc hội các nước cần phải đóng vai trò dẫn dắt, hướng tới xây dựng một mô hình quản trị mới và một khung khổ chính sách bao trùm dành cho giới trẻ. Các nhà hoạch định chính sách cần đưa chính những nguyên tắc phổ quát của đa dạng văn hóa trở thành triết lý định hướng trong mối quan hệ của mình và giới trẻ" - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Thông qua quá trình hợp tác và đối thoại cởi mở, giới trẻ được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định và triển khai các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Đặc biệt, những giá trị, biểu đạt và mong muốn khác nhau của các nhóm hay tiểu văn hóa trong một lực lượng rộng lớn mang tên giới trẻ cần được truyền tải toàn diện và được tính đến trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách. Mục tiêu của mô hình quản trị và khung khổ chính sách mà chúng ta hướng tới chính là việc tạo lập môi trường thân thiện, cởi mở và đáng sống cho tất cả mọi người, đặc biệt cho việc khuyến khích giới trẻ sáng tạo, chia sẻ, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau.
"Chúng tôi khuyến nghị Quốc hội các nước nên khẳng định vai trò của văn hóa như một trụ cột của phát triển bền vững và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế" - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động nghị viện
Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề, Giáo sư Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE) chia sẻ về sự quan trọng và cần thiết của khoa học, công nghệ trong sự phát triển bền vững, nhất là sự cần thiết của sự hợp tác giữa các nhà khoa học với các nghị sĩ và các nhà hoạch định chính sách. Giáo sư Trần Thanh Vân khẳng định, khoa học cơ bản chính là nên tảng, động cơ của khoa học ứng dụng, đưa vào áp dụng trong thực tiễn và giúp cho xã hội phát triển bền vững
Giáo sư Trần Thanh Vân nêu dẫn chứng cho thành công của khoa học là từ khoa học cơ bản đến ứng dụng đã giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhờ sự khám phá và sự hiểu biết, các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm ra được vaccine chống virus hiệu quả.
Vì vậy, kiến thức khoa học cần sự chung tay của các nghị viện, các nhà chính sách và các doanh nghiệp để có thể phát triển và định hướng. Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết, tại Hội nghị Khoa học vì hòa bình, các nghị viện quốc tế đã thống nhất sự cần thiết liên kết nghị sĩ khắp nơi trên thế giới về các vấn đề lớn dựa trên tinh thần ngoại giao, khoa học, vì lợi ích của nhân dân, vì hòa bình. Qua đó, Giáo sư Trần Thanh Vân nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong sự phát triển bền vững, đó là mục tiêu để hợp tác giữa IPU và các Hội khoa học quốc tế.
Cũng khuyến nghị về công nghệ, thông tin, ông Andy Williamson, nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đổi mới của IPU phát biểu ghi hình trao đổi về thông tin sai lệch, thông tin giả, trí tuệ nhân tạo và những hệ luỵ vấn đề này mang lại, ông Andy Williamson cho rằng cần tận dụng tối đa những công nghệ này hiệu quả nhưng thận trọng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự bùng nổ của mạng xã hội và những lợi ích to lớn đã mang lại cho từng cá nhân về liên kết xã hội. Trong đại dịch COVID-19, mạng xã hội trở thành công cụ quan trọng để kết nối và duy trì liên kết xã hội. Về mặt công việc, đây là công cụ được sử dụng nhiều hơn, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều trong quá khứ....
Ông Andy Williamson cho biết, năm 2019, không có nghị viện nào tổ chức họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp, chỉ có một số nghị viện sử dụng công nghệ số trong hoạt động Ủy ban của mình. Vào năm 2020, 2021 và 2022, nhiều nghị viện đã chuyển họp với hình thức kết hợp, từ đó có thể tổ chức những buổi họp mà có một số nghị sĩ tham gia bằng nền tảng trực tuyến. Như vậy, công cụ số đã làm thay đổi cách vận hành của các nghị viện. Đây là sự thay đổi rõ rệt trong thời gian rất ngắn, nhưng sự thay đổi đó, với sự bùng nổ của mạng xã hội lại phải chịu gánh nặng về thông tin sai lệch, thông tin giả,...
"Muốn tiếp tục duy trì và sử dụng hiệu quả công cụ này thì cần duy trì được giá trị sử dụng cho từng cá nhân, cho các nghị sĩ,..." - ông Andy Williamson nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa, cụ thể: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững./.