Hollywood né tránh vấn đề biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood nổi tiếng với những câu chuyện đa dạng. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây lại cho thấy một thực tế đáng buồn: các bộ phim của Mỹ đang "lơ đẹp" vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những thách thức mà nhân loại phải đối mặt.
Hollywood né tránh vấn đề biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học đã khảo sát 250 phim Hollywood được ra mắt từ năm 2013 đến 2022 bằng tiêu chí đơn giản: liệu bộ phim có đề cập đến biến đổi khí hậu và các nhân vật có nhận thức về nó hay không. Kết quả cho thấy, chỉ dưới 10% phim vượt qua tiêu chí đánh giá, chưa đến 4% phim có phân cảnh nhắc đến biến đổi khí hậu hai lần trở lên.

Điều đáng nói là một số phim còn có những miêu tả sai lệch về biến đổi khí hậu. Ví dụ, trong bộ phim "Justice League" (2017), nhân vật Aquaman (do Jason Momoa thủ vai) đã thản nhiên nói rằng anh "không ngại mực nước biển dâng cao".

Giáo sư Matthew Schneider-Mayerson, trưởng nhóm nghiên cứu kiêm Giáo sư văn học Anh tại Cao đẳng Colby, cho biết điều này không hề ăn nhập với thực tế khi khán giả mong muốn được thấy thế giới thực của họ trên màn ảnh.

Ông nhấn mạnh: "Điểm mấu chốt là phần lớn các phim bom tấn Mỹ được sản xuất trong 10 năm qua đều không khắc họa thế giới thực. Chúng đang xây dựng một thế giới ở quá khứ hoặc viễn tưởng, nơi mà biến đổi khí hậu không tồn tại."

Ngạc nhiên thay, một số phim thoạt nhìn không liên quan đến khí hậu hay môi trường lại vượt qua bài kiểm tra. Ví dụ, "Marriage Story" (2019), bộ phim tâm lý tình cảm về sự tan vỡ của một cuộc hôn nhân, đã vượt qua bài kiểm tra vì nhân vật của Adam Driver được miêu tả là "quan tâm đến năng lượng". Một số phim khác vượt qua bài kiểm tra bao gồm phim trinh thám "Glass Onion" (2022) và phim kinh dị "Midsommar" (2019).

Tuy nhiên, nhiều phim bom tấn trực tiếp đề cập đến biến đổi khí hậu, như "San Andreas" (2015) về thảm họa động đất Bờ Tây nước Mỹ và "The Meg" (2018) lấy bối cảnh đại dương, lại không đạt yêu cầu.

Để đảm bảo tính chính xác, các nhà nghiên cứu đã thu hẹp phạm vi phim khảo sát, loại trừ những phim không lấy bối cảnh Trái đất hoặc lấy bối cảnh trước năm 2006, sau năm 2100. Kết quả thu được cho thấy một xu hướng đáng chú ý: dịch vụ streaming đang dẫn đầu trong việc đưa biến đổi khí hậu lên màn ảnh, với tỷ lệ phim đề cập đến chủ đề này cao hơn đáng kể so với các hãng phim lớn.

Harry Winer, Giám đốc Môi trường bền vững tại Viện Điện ảnh và Truyền hình Kanbar thuộc Trường Nghệ thuật Tisch, Đại học New York, đánh giá cao nghiên cứu này. Ông cho rằng đây là nguồn tư liệu quý giá cho các mục đích tiếp thị, cung cấp thông tin và tích lũy dữ liệu về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tiềm năng của nghiên cứu trong việc thúc đẩy kết nối khán giả với các câu chuyện về biến đổi khí hậu. "Khán giả sẽ cởi mở hơn để thảo luận về vấn đề này," ông nói. "Đây là bước khởi đầu cho những cuộc trao đổi quan trọng."

So sánh với bài kiểm tra Bechdel-Wallace về sự hiện diện của phụ nữ trong phim ảnh, các tác giả nghiên cứu đề xuất "bài kiểm tra khí hậu" như một thước đo mới, đánh giá liệu phim có đề cập đến biến đổi khí hậu hay không, và liệu các nhân vật có nhận thức về vấn đề này hay không.

Họa sĩ truyện tranh Alison Bechdel, người phổ biến bài kiểm tra Bechdel-Wallace vào những năm 1980, đã bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình cho bài kiểm tra này. Trong một bài đăng trên mạng xã hội trong mùa giải Oscar năm nay, cô gọi đây là điều nên sớm được thực hiện. Bechdel khẳng định rằng "trong thời đại biến đổi khí hậu, việc một bộ phim lấy bối cảnh hiện tại mà phớt lờ mối đe dọa sinh tồn này là điều không hợp lý".

Tuy nhiên, cô cũng bày tỏ lo ngại rằng các nhà biên kịch có thể thực hiện bài kiểm tra này một cách máy móc, dẫn đến phản tác dụng.

Theo AP
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).