Từ manh nha
Mường Hoa - một trong năm thung lũng đẹp nhất Việt Nam nay đã có nhiều dấu chân du lịch khám phá của khách nước ngoài. Bà Lù Thị Pình (thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, Sapa) là một trong số những người mở mô hình du lịch homestay ở bản.
Bà cho biết: Năm 2010, khi du lịch khám phá ở thị trấn manh nha, du khách nước ngoài tìm đến ngày một nhiều hơn, nhiều người muốn ở qua đêm. Ít năm trước, bà cùng chị Vàng A Lỳ hàng xóm chung tiền dựng thêm một căn nhà sàn để phục vụ du khách có nhu cầu ở qua đêm. Dần dần, mô hình lan rộng, cả thôn hơn trăm nóc nhà thì có đến quá nửa người dân cung cấp dịch vụ này. Tất cả các hoạt động ăn, ngủ, nghỉ, chơi của khách đều diễn ra trong nhà dân. Người bản địa ăn gì, khách du lịch ăn như thế, thường thì khách sẽ được thưởng thức thắng cố, cá nương, gà bản, lợn cắp nách, bánh ngô Páu pó cừ, bánh dầy Páu plậu… Ban đêm, khách có thể cùng chủ nhà đốt lửa trại, thổi khèn. Giá mỗi đêm ngủ khoảng 50.000 đồng/người còn dịch vụ ăn uống tùy thuộc vào món ăn.
Nhiều trẻ em đến chợ để chờ mời du khách |
Tiếp xúc nhiều với nhiều người ngoại quốc nên bà Pình “học lỏm” được ít câu chào hỏi để giao tiếp, hướng dẫn họ thưởng ngoạn thiên nhiên, khám phá đời sống sinh hoạt, văn hóa bản làng. Rồi bà kiêm luôn… dẫn khách đi thăm thú những cảnh đẹp quanh khu vực. Đặc biệt, từ khi dịch vụ này rộ lên, lũ trẻ trong làng trở thành những “hướng dẫn viên” nhí đón khách vào homestay của chính gia đình mình. Em Lồ Ba Mỳ mới 10 tuổi nhưng vẫn thường xuyên đón khách ngay ở đầu làng. Ba Mỳ chia sẻ: “Người Tây dễ tính lắm. Em đứng ở đầu làng, thấy người Tây chỉ cần nói “Nice to meet you, well come to my homestay, very cheap” (rất vui được gặp ông/bà, mời ông bà đến với homestay của nhà cháu, nó rất rẻ). Nếu người ta ưng, người ta sẽ đi theo mình luôn. Nếu mình không có từ để nói, có thể ra hiệu bằng tay, khách sẽ hiểu”. Ngoài việc đưa khách về homestay của gia đình, thù lao cho mỗi lần hướng dẫn du khách đi “trek” (đi bộ) quanh thung lũng trong một ngày dao động từ 100.000 đồng - 300.000 đồng/lần.
Đến nhân rộng
Nhận thấy mô hình du lịch homestay phát triển nhanh nên chính quyền nghĩ đến việc giúp người dân cải thiện kỹ năng khi giao tiếp để phục vụ du khách tốt hơn. Thời gian qua, nhiều người dân đến nhà văn hóa thôn học ngoại ngữ do xã tổ chức. Chị Vàng A Lỳ cho biết: “Vào mỗi tối, các mẹ, các chị địu con sau lưng với cuốn sách bỏ túi, tay phải dắt theo con lớn, tay trái dắt bạn đi học tiếng Anh. Đặc biệt, vào tối thứ bảy, có nhiều du khách đến xem nên người trong bản đến học đông như trẩy hội”.
Thầy giáo tiếng Anh được xã mời về mỗi tháng một lần vào chủ nhật. Những buổi còn lại mọi người chủ yếu đến để giao tiếp theo nhóm, mỗi nhóm hai đến ba người, thường có nhóm trưởng hướng dẫn. Buổi học thường kéo dài cả buổi tối, các học viên chủ yếu học giao tiếp cơ bản, thực hành nói về phong tục sinh hoạt, du lịch, thiên nhiên. Nhờ vậy, khả năng giao tiếp tiếng Anh của mọi người thành thạo hơn. “Nếu như trước kia chị em thường ngại sai lỗi, không tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài thì sau khi tham gia một số buổi học giao tiếp, tôi đã tự tin hơn” - Lồ A Gái bộc bạch.
“Hiện tại, xã Tả Van đã có khoảng 60 điểm lưu trú kiểu homestay. Mô hình này đón vài trăm, có khi cả nghìn lượt du khách mỗi ngày. Đặc biệt, vào dịp lễ Tết, nhu cầu du lịch thám hiểm, ở lại nhà dân tăng thêm. Việc phát triển mô hình giúp người dân có thêm thu nhập, hòa đồng với du khách” - ông Phan Mạnh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tả Van nói. Còn bà Lý Mẩy Chạn - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Tả Phìn, (Sa Pa, Lào Cai) cho biết, với trên 40 điểm lưu trú kiểu homestay, xã Tả Phìn (Sa Pa) cũng đã tích cực tuyên truyền để mọi người chung tay phát triển du lịch địa phương, tự lực nâng cao đời sống cá nhân. Du lịch kiểu homestay không chỉ góp quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống sinh hoạt của người dân bản địa mà còn đem lại nguồn thu nhập khá, phát triển khả năng giao tiếp ngoại ngữ ở giới trẻ.
Giờ đây, thêm nhiều hộ gia đình đều làm du lịch. Nhiều người cho biết, họ khá vui vì du lịch phát triển và du khách cũng rất ý thức, thân thiện. Với những người “rành” ngoại ngữ thì kiếm được đôi ba triệu mỗi tháng từ nghề “hướng dẫn viên” du lịch, còn với người mới, chịu khó cũng thu nhập hơn một triệu đồng mỗi tháng.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Điểm danh top 10 khách sạn tốt nhất Việt Nam cho doanh nhân
- Khám phá vẻ đẹp cổ kính di sản văn hóa của nhân loại tại Việt Nam