Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bức thư ngỏ gửi đến Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Gilead, ông Daniel O'Day. Tham gia ký bức thư có cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, cựu Tổng thống Milawi Joyce Banda, Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), bà Winnie Byanyima cùng những người khác có tầm ảnh hưởng như nữ diễn viên người Mỹ Gillian Anderson.
Bức thư cho rằng, lenacapavir - thuốc điều trị HIV dạng tiêm 6 tháng 1 lần - rất phù hợp với những bệnh nhân không thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Vì vậy, loại thuốc có cải tiến mang tính đột phá này sẽ đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân ở các nước đang phát triển. Thuốc lenacapavir đã được cấp phép sử dụng ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) năm 2022.
Những người ký tên trong bức thư cho rằng Tập đoàn Gilead cần cho phép các công ty dược trên thế giới sản xuất những phiên bản mới của Lenacapavir với chi phí phải chăng, dựa trên thỏa thuận với Tổ chức Bằng sáng chế thuốc do Liên hợp quốc hậu thuẫn.
Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), thuốc lenacapavir, được bán dưới tên thương hiệu Sunlenca, đã được chứng minh là làm giảm tải lượng virus ở những bệnh nhân HIV có các bệnh nhiễm trùng cơ hội song lại kháng các thuốc điều trị khác.
Đáp lại thư ngỏ này, Gilead cho biết tập đoàn đang trong quá trình đàm phán với chính phủ các nước và các tổ chức về cách thức mở rộng khả năng tiếp cận thuốc điều trị HIV.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới có khoảng 39 triệu người sống chung với HIV trong năm 2022 và khoảng 26 triệu trong số đó là ở châu Phi. Cùng năm đó, trên thế giới ghi nhận khoảng 630.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS, trong đó châu Phi ghi nhận 380.000 trường hợp tử vong.
Lời kêu gọi trong bức thư cho rằng nếu tất cả những người sống chung với căn bệnh này trên thế giới đều được tiếp cận thuốc lenacapavir, thì mối đe dọa sức khỏe toàn cầu này có thể kết thúc vào năm 2030.