Tối 20/2, Bộ Y tế có báo cáo tổng hợp công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 từ 1.300 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh thành và Y tế ngành trên toàn quốc.
Theo đó, trong 6 ngày nghỉ Tết, tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau đến khám là 4.184 trường hợp. Tuy con số này có giảm 19,2% so với 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú lại tăng 14,6% so với 6 ngày Tết năm 2017, có 559 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, 13 trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cả nước ghi nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, tăng 28,4% so với 141 ca trong 6 ngày Tết Đinh Dậu 2017, không có ca tử vong. Số liệu cho thấy số ca tai nạn do pháo nổ tăng cao so với năm 2017 đặc biệt trong ngày 30 và Mùng 1 Tết.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của thành phố trong 6 ngày Tết vừa qua là 10.390 trường hợp. Trong đó, có 969 trường hợp do tai nạn giao thông.
Cũng trong 6 ngày Tết vừa qua, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã tiếp nhận vận 657 lượt yêu cầu, cấp cứu và vận chuyển 500 bệnh nhân, chuyển viện 395 trường hợp.
Tại BV Bạch Mai, số bệnh nhân được khám, xử trí cấp cứu và hồi sức nội khoa (không có ngoại khoa) trong 6 ngày nghỉ Tết lên tới gần 700 trường hợp.
Tại BV Việt Đức, Bác sĩ Vũ Văn Hà, khoa Phẫu thuật Tiết niệu Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện này là nơi tập trung các bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông. Trong những ngày Tết, số bệnh nhân vào cấp cứu cao hơn ngày thường, chủ yếu do tai nạn giao thông, khoảng 60% có cồn trong máu.
Theo các bác sĩ trực tại đây, việc theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân có uống rượu khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân không có nồng độ cồn trong máu cao, không uống rượu. Khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu rất kích thích, tri giác không tỉnh như bình thường. Bác sĩ khó xác định tình trạng bệnh nhân là do rượu hay do các tổn thương sọ não.
Theo Dân Việt