Là một phần của sáng kiến nhà tù thông minh, để hiện đại hóa các cơ sở cải huấn thành phố, một hệ thống có chức năng phát hiện hành vi đáng ngờ của các tù nhân đang được thử nghiệm, như dây đeo cổ tay thông minh.
Ủy viên Dịch vụ Cải huấn Daniel Woo Ying-ming nói rằng hệ thống camera CCTV có thể được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt, trong khi dây đeo cổ tay, phải được quét trước khi vào phòng giam, có thể được sử dụng trong tương lai để xác minh danh tính của tù nhân và theo dõi họ tại bất kỳ thời điểm nào.
"Ví dụ, nếu tôi muốn biết có bao nhiêu tù nhân và chính xác là ai trong xưởng may, thì 3 hệ thống có thể hoạt động cùng nhau. Hiện tại các giám thị của chúng tôi phải làm việc thủ công, họ không xác minh được tất cả danh tính của tù nhân", ông Woo nói.
Một mẫu robot tuần tra được giới thiệu. Ảnh: SCMP |
Ủy viên Woo hy vọng hệ thống trại giam Hong Kong sẽ thử nghiệm các hệ thống nâng cấp vào giữa năm tới.
Tại Trung tâm Cải huấn Lai Chi Kok ở Cửu Long, robot tuần tra đã được triển khai bắt đầu vào tháng 9. Được sản xuất tại Hà Lan và có giá khoảng 76.500 USD, robto được trang bị máy ảnh và micro cũng như di chuyển trên 6 bánh xe.
Các tù nhân và giám thị có thể nói chuyện với nhau thông qua chức năng trò chuyện từ xa của robot, trong khi máy ảnh của robot sẽ gửi về hình ảnh độ phân giải cao ngay lập tức.
Nhân viên giám sát cần tuần tra trong khuôn viên cứ sau 15 phút, mất khoảng 9 phút để hoàn thành một vòng trong khi robot tuần tra chỉ mất 6 phút.
"Chúng tôi có thể thiết lập tốc độ của robot", ông Woo nói. "Việc tuần tra robot thường xuyên hơn sẽ không chỉ giảm bớt gánh nặng cho các sĩ quan mà còn theo dõi sát sao hơn các tù nhân".
Trong tương lai, robot có thể được trang bị camera hồng ngoại để kiểm tra các tù nhân trong phòng giam của họ.
Việc triển khai công nghệ giám sát tù nhân có thể giúp giảm tải công việc cho các giám thị trại giam. Ảnh: SCMP |
Ông Woo hy vọng việc nâng cấp công nghệ sẽ giúp bảo vệ giám thị, nâng cao ý thức chuyên nghiệp và giảm gánh nặng chi phí.
"Thế hệ trẻ sử dụng công nghệ kỹ thuật số mọi lúc, nhưng nhân viên của chúng tôi thì còn không thể sử dụng điện thoại di động của họ khi làm việc sau song sắt. Họ cảm thấy mất kết nối. Chúng tôi cần phải thay đổi điều này", ông Woo nói.
Dự án nhà tù thông minh của Hong Kong là một sáng kiến của Đặc khu trưởng Carrie Lam, được đề cập trong bài phát biểu chính sách vào tháng 10 năm ngoái.
Nhà tù Changi của Singapore đã thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xem liệu hệ thống tự động có thể thay thế việc kiểm tra các tù nhân từ các giám thị sang robot.
Các nhà tù Hàn Quốc cũng triển khai các robot tuần tra có cảm biến để phát hiện hành vi bất thường vào năm 2012.
Trung bình hàng ngày các trại giam của Hong Kong có 8.303 đối tượng bị giam giữ, giảm nhẹ so với mức 8,529 trong năm 2017.
Tỷ lệ tù nhân tái phạm trong vòng hai năm sau khi được thả ra đã giảm từ 39,9% năm 2000 xuống còn 24,8% vào năm 2016.