Hình ảnh chụp Xquang, bệnh nhân bị răng ngầm chọc thủng hốc mũi |
Sáng 19/10, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một ca răng ngầm xương hàm gây tổn thương nặng cho bệnh nhân nam T.M.K. (38 tuổi).
Anh K. tới bệnh viện khám với triệu chứng đau nhức xương hàm trên đã lâu, khó chịu mũi phải, chảy dịch mũi thường xuyên, mệt mỏi, ăn uống kém.
Kết quả chụp CT sọ não cho thấy hình ảnh 1 răng thừa ngầm trong xương hàm trên tạo thành nang xương hàm phá hủy xương hàm trên, gây thủng hốc mũi phải.
Bệnh nhân được mổ loại bỏ răng thừa ngầm và u nang xương hàm. Răng ngầm có kích thước khoảng 2cm đã được lấy ra khỏi xương hàm trên bệnh nhân.
Sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể xuất viện.
Chiếc răng thừa được các bác sĩ phẫu thuật lấy ra |
Bác sĩ Nguyễn Trạch Dân (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến răng mọc ngầm như răng mọc trễ, trên cung hàm không còn chỗ trống cho răng nhoi lên như bình thường, hoặc nhổ răng sữa quá sớm làm các răng bên cạnh di chuyển về chỗ trống lắp kín nên răng không thể mọc lên đúng vị trí. Vì vậy, răng mọc sau phải tìm đường khác để chui lên, hoặc phát triển trong xương hàm.
Răng mọc ngầm thường không gây đau đớn, có thể phát hiện khi chụp X-quang răng toàn cảnh (panorama toàn hàm). Nếu không phát hiện kịp thời, răng mọc ngầm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như phá hủy xương hàm, biến chứng u nang xương hàm, chèn ép vào các dây thần kinh, để lại nhiều di chứng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo từ khi còn nhỏ cần khám răng dự phòng. Chăm sóc bộ răng sữa cho bé, tránh để răng sữa bị sâu hay nhổ quá sớm khi chưa đến kỳ thay răng. Cần nhổ răng sữa đúng lúc để có chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên, cũng là biện pháp phòng ngừa răng mọc ngầm, mọc lệch.
Khi đau nhức xương hàm, mệt mỏi... cần đến bệnh viện khám kịp thời.