Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần trước tại Hiroshima như một cơ hội để vận động các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến xe điện.
Trong khi đối thủ Thái Lan đang bận rộn thành lập chính phủ mới, thì ông Widodo lại tích cực quảng bá cho ngành công nghiệp ô tô của đất nước mình.
Theo công ty nghiên cứu MarkLines, sản lượng ô tô của Thái Lan đã giảm 23% kể từ mức cao nhất năm 2013 là 2,45 triệu xe, xuống còn 1,88 triệu vào năm 2022%. Nguyên nhân suy giảm xuất phát từ phong trào chuyển đổi dây chuyền sản xuất ra nước ngoài, do nước này hàng năm hứng chịu nhiều trận lũ lụt.
Trong khi đó, sản lượng tại Indonesia tăng hơn 30% trong cùng khoảng thời gian, đạt 1,47 triệu chiếc vào năm 2022, gần bằng 80% sản lượng của Thái Lan trong năm đó. Con số này có thể lên tới 1,6 triệu chiếc trong năm nay.
Đáng chú ý, sản lượng xe chở khách của Indonesia đã vượt qua Thái Lan vào năm 2014.
Làn sóng chuyển đổi sang xe điện trên toàn cầu là một cơn gió lớn đối với Indonesia. Lợi thế lớn nhất của nước này là trữ lượng niken dồi dào, vốn là nguyên liệu quan trọng cho pin xe điện.
Chính phủ Indonesia đã thông báo vào tháng 4 rằng Volkswagen đang xem xét đầu tư vào một dự án sản xuất niken mà hãng xe Ford Motor của Mỹ cũng đang tham gia. Pin xe điện có thể nặng hàng trăm cân và thường được sản xuất gần các nhà máy lắp ráp xe thành phẩm. Thu hút các nhà máy sản xuất pin cũng sẽ thu hút sản xuất xe điện.
Ngoài ra, chính phủ Indonesia cũng tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng để thúc đẩy làn sóng sử dụng xe điện, chẳng hạn như giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số loại xe điện từ 11% xuống 1% bắt đầu từ tháng 4.
Chính phủ nước này đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất trong nước cùng với doanh số bán hàng bằng cách hạn chế điều kiện đối với các phương tiện được sản xuất với ít nhất 40% linh kiện trong nước.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã phản ứng tích cực trước những ưu đãi của Indonesia. Hyundai Motor của Hàn Quốc và SAIC-GM-Wuling của Trung Quốc bắt đầu sản xuất xe điện ở quốc gia "vạn đảo" vào năm 2022, trong khi Tesla được cho là sắp đạt được thỏa thuận sơ bộ để xây dựng các nhà máy ở đây.
LG Energy Solutions của Hàn Quốc đang cùng với Hyundai Motor xây dựng một nhà máy sản xuất pin, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024. Công ty CATL của Trung Quốc, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Indonesia.
Ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan bắt đầu vào những năm 1960, khi các nhà sản xuất Nhật Bản như Toyota bắt đầu sản xuất tại đây và chuỗi cung ứng tập trung tại quốc gia này đã phát triển ngay sau đó. Nó đã trở thành một cơ sở xuất khẩu không chỉ cho Đông Nam Á, mà còn cả thị trường Australia, Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển sang sử dụng xe điện, công thức chiến thắng của quốc gia dựa trên xe động cơ xăng đã trở nên lỗi thời.
Một nguồn tin chính phủ Thái Lan cho biết các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang tỏ ra chậm chạp trong việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang xe điện. Ô tô Nhật Bản vẫn rất phổ biến ở Thái Lan, trong khi tâm lý háo hức dành cho xe điện ở mức rất cao. Việc các hãng xe Nhật chậm chạp gia nhập thị trường có thể đang cản trở ngành công nghiệp ô tô nước này.
Thái Lan cũng không cam chịu ngồi yên khi đặt mục tiêu xe điện chiếm 30% hoặc hơn số ô tô mới được sản xuất tại nước này vào năm 2030. Nước này đã đưa ra các ưu đãi mới vào tháng 2 năm 2022, trong đó quan trọng nhất là khoản tiền trợ cấp lên tới 150.000 baht (4.300 USD) cho xe điện từ các nhà sản xuất có kế hoạch sản xuất xe ở Thái Lan.
Thuế hàng hóa đối với xe chở khách chạy động cơ điện cũng sẽ giảm từ 8% xuống 2%. Xe bán tải, vốn được ưa chuộng ở Thái Lan, cũng sẽ được miễn thuế.
Vào tháng 9, gã khổng lồ xe điện BYD của Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy xe điện ở tỉnh Rayong, miền Đông Thái Lan, đánh dấu lần đầu tiên nhà sản xuất ô tô này đồng ý xây dựng một nhà máy xe điện chở khách bên ngoài Trung Quốc.
Vào tháng 4, hãng xe Changan Automobile của Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 9,8 tỷ baht vào một nhà máy xe điện ở Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan đã công bố chiến lược đầu tư 5 năm, bắt đầu từ năm nay, bao gồm miễn thuế từ 10 đến 13 năm cho việc sản xuất xe chạy bằng pin. Các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học cũng đủ điều kiện để được giảm thuế.
Vào tháng 12, Toyota đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác với tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan để sử dụng khí sinh học được tạo ra từ phân gia súc để sản xuất hydro, có khả năng sử dụng cho các phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu.
Thái Lan đang cố gắng vượt lên dẫn đầu bằng cách mở rộng phạm vi tiếp cận không chỉ với xe điện mà còn với các phương tiện sử dụng năng lượng mới nói chung. Cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia Đông Nam Á được dự đoán sẽ ngày càng nóng lên.