Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết 3/4 sản lượng oxy được sử dụng cho ngành công nghiệp sẽ được tái cơ cấu và chuyển đến cho các bệnh viện trong hai tuần tới.
“Chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ những gì diễn ra tại Ấn Độ, vì vậy chúng tôi sẽ nỗ lực đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế tại các bệnh viện”, ông Budi nhấn mạnh.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với 275 triệu dân, đang phải đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất.
Các bệnh viện ở thủ đô Jakarta và trên toàn đảo Java hiện không thể đáp ứng đủ nhu cầu vật tư y tế để chữa trị cho bệnh nhân, trước tình hình đó tổ chức Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã đưa ra cảnh báo Indonesia đang đứng bên bờ vực thảm kịch.
Tương tự những gì Ấn Độ từng trải qua, bình dưỡng khí đang là mặt hàng hiếm tại Indonesia. Các gia đình có người bệnh đã tìm mọi cách để mua oxy cho người nhà. Tại thủ đô Jakarta, giá của một bình oxy đã tăng hơn hai lần từ 50 USD lên 140 USD.
Hiện ba bệnh viện trực thuộc quản lý của chính phủ Indoneisa cũng như một số phòng cấp cứu, cũng đã được chuyển đổi mô hình tập trung vào việc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID – 19.
“Tốc độ lây nhiễm trong 3 tuần qua tăng rất mạnh, các bệnh nhân sau khi mắc bệnh cũng liên tiếp trở nặng", Bộ trưởng Budi cho biết.
Indonesia đã tiến hành giải trình tự gen của khoảng 300 bệnh nhân trong những tuần qua, kết quả cho thấy rằng biến thể Delta hiện đã trở thành biến thể phổ biến nhất tại nước này.
Theo số liệu mà Bộ trưởng Budi cho biết, hơn 60% các trường hợp mắc COVID–19 đều nhiễm biến thể này, và khoảng 80% các ca bệnh đều được ghi nhận ở các khu vực đông dân như thủ đô Jakarta và thành phố Bandung.
Trước đó, dựa trên mô hình phân tích, chính phủ đã đưa ra dự báo số ca bệnh sẽ đạt đỉnh điểm vào tuần đầu tiên của tháng 7, nhưng theo Bộ trưởng Budi, tình hình hiện tại là không thể đoán trước được do tốc độ lây nhiễm của biến thể Delta khiến cho diễn biến đợt bùng phát dịch lần này đang trở nên rất khó lường.
“Rất khó để dự đoán chính xác về tình hình dịch bệnh vì đây là biến thể mới”, Bộ trưởng Budi nhận định.
Tính riêng hôm Thứ Năm, số ca nhiễm mới tại Indonesia đã tăng gần 25.000 trường hợp, bên cạnh đó, nước này cũng ghi nhận 504 ca tử vong, và cả hai con số này đều đạt mức tăng kỷ lục.
Tổng thống Joko Widodo mới đây đã công bố các lệnh hạn chế áp dụng tại Jakarta, Java và Bali, trong đó yêu cầu người lao động thuộc các ngành không thiết yếu làm việc tại nhà, còn các trường học tổ chức chuyển sang học trực tuyến.
Ngoài ra, các trung tâm mua sắm và nhà thờ cũng sẽ đóng cửa theo quy định mới. Tuy nhiên, hoạt động di chuyển, đi lại trong nước vẫn được cho phép nếu những người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Nhiều chuyên gia y tế đã liên tục chỉ trích chính phủ Indonesia khi đưa ra quyết định phong toả quá chậm và đặc biệt là đã không ban hành lệnh cấm người dân đi lại sau khi tháng Ramadan kết thúc. Các quan chức cũng bị cáo buộc đã không đầu tư vào các hệ thống kiểm dịch và truy vết các trường hợp mắc COVID-19.
Indonesia hiện là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất trên thế giới với chỉ 47,98/1.000 người. Nước này hiện cũng ghi nhận tỷ lệ dương tính khi được xét nghiệm là hơn 20%.
Bộ trưởng Budi cho biết Indonesia sẽ đẩy nhanh việc xét nghiệm, đặt mục tiêu xét nghiệm được cho 400.000 người/ngày vào tháng 8 khi nguồn lực sẽ được tập trung chủ yếu đến hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ giảm được tỷ lệ dương tính sau xét nghiệm xuống dưới 10%”, ông Budi cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng có khả năng các con số chính thức được công bố vẫn chưa thống kê được chính xác tất cả các trường hợp nhiễm virus.
“Indonesia bị phân tán về mặt địa lý, cùng với đó cơ sở hạ tầng của các phòng thí nghiệm không có tiềm lực được như nhiều quốc gia khác, vì vậy việc kiểm soát đại dịch gặp rất nhiều khó khăn”, ông Budi cho biết.
Tính đến hôm Thứ Năm, chiến dịch tiêm chủng của Indonesia đã triển khai tiêm được hơn 1,4 triệu liều vaccine. Cũng trong ngày hôm qua, chính phủ Nhật Bản đã phân phối hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca viện trợ cho nước này. Đến nay, ước tính khoảng 5% dân số Indonesia đã được tiêm chủng đầy đủ.